Giám đốc là một chức danh quản lý thường được nhắc tới trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng Giám đốc là người quản lý, điều hành và có quyền hành cao nhất trong doanh nghiệp. Để hiểu rõ hơn về chức danh Giám đốc, mời Quý thành viên cùng theo dõi những thông tin dưới đây.
>> Xuất nhập khẩu tại chỗ và những vấn đề liên quan (II)
>> Những lưu ý về “Người có liên quan” trong pháp luật doanh nghiệp
1. Công ty TNHH hai thành viên trở lên
Giám đốc là người điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty, chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.
Quyền và nghĩa vụ của Giám đốc:
- Tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng thành viên;
- Quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty;
- Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty;
- Ban hành quy chế quản lý nội bộ của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác;
- Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh quản lý trong công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên;
- Ký kết hợp đồng nhân danh công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên;
- Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức công ty;
- Trình báo cáo quyết toán tài chính hằng năm lên Hội đồng thành viên;
- Kiến nghị phương án sử dụng lợi nhuận hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh;
- Tuyển dụng lao động;
- Quyền và nghĩa vụ khác được quy định tại Điều lệ công ty, hợp đồng lao động mà Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc ký với công ty theo nghị quyết của Hội đồng thành viên.
Điều kiện, tiêu chuẩn của Giám đốc:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không thuộc đối tượng không được quyền quản lý doanh nghiệp theo quy định;
- Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh của công ty, nếu Điều lệ công ty không có quy định khác.
Giám đốc có thể là thành viên công ty hoặc được thuê và có thể kiêm Chủ tịch hội đồng thành viên trong công ty và có thể là người đại diện theo pháp luật của công ty.
2. Công ty TNHH Một thành viên
Giám đốc là người điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty, chịu trách nhiệm pháp luật và Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Nhiệm kỳ của Giám đốc không quá 05 năm.
Quyền và nghĩa vụ của Giám đốc:
- Tổ chức thực hiện quyết định của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty;
- Quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty;
- Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty;
- Ban hành quy chế quản lý nội bộ của công ty;
- Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm người quản lý trong công ty, trừ các đối tượng thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty;
- Ký kết hợp đồng nhân danh công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty;
- Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức công ty;
- Trình báo cáo quyết toán tài chính hằng năm lên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty;
- Kiến nghị phương án sử dụng lợi nhuận hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh;
- Tuyển dụng lao động;
- Quyền và nghĩa vụ khác được quy định tại Điều lệ công ty, hợp đồng lao động mà Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc ký với Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty.
Điều kiện, tiêu chuẩn của Giám đốc:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không thuộc đối tượng không được quyền quản lý doanh nghiệp theo quy định;
- Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh của công ty, nếu Điều lệ công ty không có quy định khác.
Giám đốc là do Hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty bổ nhiệm hoặc thuê. Giám đốc có thể là Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên của Hội đồng thành viên và Chủ tịch công ty. Giám đốc có thể là người đại diện theo pháp luật của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty.
3. Công ty cổ phần
Giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty; chịu sự giám sát của Hội đồng quản trị; chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao. Giám đốc có nhiệm kỳ 05 năm và có thể được bầu lại với số lượng nhiệm kỳ không hạn chế.
Quyền và nghĩa vụ của Giám đốc:
- Quyết định các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh hằng ngày của công ty mà không cần phải có quyết định của Hội đồng quản trị;
- Tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng quản trị;
- Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty;
- Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ của công ty;
- Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh quản lý trong công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị;
- Quyết định tiền lương và quyền lợi khác đối với người lao động trong công ty kể cả người quản lý thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc;
- Tuyển dụng lao động;
- Kiến nghị phương án trả cổ tức hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh;
- Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật, Điều lệ công ty và nghị quyết của Hội đồng quản trị.
Điều kiện, tiêu chuẩn của Giám đốc:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không thuộc đối tượng không được quyền quản lý doanh nghiệp theo quy định;
- Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh của công ty, nếu Điều lệ công ty không có quy định khác.
Giám đốc được bổ nhiệm tự những thành viên Hội đồng quản trị hoặc được thuê. Giám đốc có thể là người đại diện theo pháp luật của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty.
4. Công ty hợp danh
Đối với công ty hợp danh, Giám đốc là thành viên hợp danh, được bầu từ Hội đồng thành viên và kiêm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên nếu điều lệ công ty không có quy định khác. Có nghĩa là nếu điều lệ công ty quy định Giám đốc và Chủ tịch Hội đồng thành viên khác nhau thì vẫn được.
Giám đốc có quyền đại diện theo pháp luật và tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty.
Giám đốc có các nhiệm vụ sau đây:
- Quản lý và điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty với tư cách là thành viên hợp danh;
- Triệu tập và tổ chức họp Hội đồng thành viên; ký các nghị quyết của Hội đồng thành viên;
- Phân công, phối hợp công việc kinh doanh giữa các thành viên hợp danh;
- Tổ chức sắp xếp, lưu giữ đầy đủ và trung thực sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ và các tài liệu khác của công ty theo quy định của pháp luật;
- Đại diện cho công ty trong quan hệ với cơ quan nhà nước; đại diện cho công ty với tư cách là bị đơn hoặc nguyên đơn trong các vụ kiện, tranh chấp thương mại hoặc các tranh chấp khác;
- Các nghĩa vụ khác do Điều lệ công ty quy định.
5. Doanh nghiệp tư nhân
Giám đốc được chủ doanh nghiệp tư nhân thuê để quản lý và điều hành hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chức danh Giám đốc không bắt buộc có trong doanh nghiệp tư nhân, chỉ khi chủ doanh nghiệp không trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh thì mới thuê Giám đốc thực hiện công viêc đó.
Căn cứ pháp lý:
Tài Giỏi