Tiếp theo bài viết Xuất nhập khẩu tại chỗ và những vấn đề liên quan (Phần I), PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP xin cung cấp đến Quý thành viên những nội dung về hóa đơn và thuế để doanh nghiệp nắm rõ hơn khi xuất nhập khẩu tại chỗ.
>> Những lưu ý về “Người có liên quan” trong pháp luật doanh nghiệp
>> Xuất nhập khẩu tại chỗ và những vấn đề liên quan (Phần I)
Doanh nghiệp chú ý, từ ngày 1//6/2014 thì hóa đơn xuất khẩu đã không còn sử dụng, trừ trường hợp doanh nghiệp còn hóa đơn xuất khẩu chưa sử dụng hết và đã đăng ký sử dụng với cơ quan thuế chậm nhất là vào ngày 31/07/2014. Thay vào đó, doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại chỗ tùy từng trường hợp mà có thể sử dụng một hoặc nhiều trong số các hóa đơn sau:
- Hóa đơn giá trị gia tăng.
- Hóa đơn bán hàng.
- Hóa đơn thương mại.
Trường hợp hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan thì người khai hải quan sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính thay cho hóa đơn thương mại.
Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
Hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ vẫn thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Điều kiện và phương thức tính thuế đối với hàng hóa này cũng tính tương tự như hàng xuất khẩu, nhập khẩu thông thường. Do đó điều kiện để hưởng thuế suất ưu đãi vẫn được áp dụng cho hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ nếu đáp ứng được theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Nghị định 156/2017/NĐ-CP.
Thuế thu nhập doanh nghiệp
Doanh nghiệp cung cấp hàng hóa theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ (trừ trường hợp gia công hàng hóa cho tổ chức, cá nhân nước ngoài) được tính theo tỉ lệ 1% thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên doanh thu tính thuế.
Thuế giá trị gia tăng
*Hưởng thuế suất 0%
Thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng cho hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ là 0%.
Điều kiện hưởng thuế suất 0% đối với hàng hóa xuất khẩu:
- Có hợp đồng bán, gia công hàng hóa xuất khẩu; hợp đồng ủy thác xuất khẩu;
- Có chứng từ thanh toán tiền hàng hóa xuất khẩu qua ngân hàng và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật;
- Có tờ khai hải quan theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư 219/2013/TT-BTC;
*Khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào
Doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu tại chỗ được khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào.
Hành vi xuất khẩu tại chỗ được coi như xuất khẩu theo quy định của pháp luật. Điều kiện khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào đối với một số trường hợp hàng hóa được coi như xuất khẩu là hàng hóa xuất khẩu tại chỗ theo quy định của pháp luật, có đầy đủ các tài liệu, hồ sơ sau:
- Hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc hợp đồng gia công có chỉ định giao hàng tại Việt Nam;
- Tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu - nhập khẩu tại chỗ đã làm xong thủ tục hải quan;
- Hóa đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn xuất khẩu ghi rõ tên người mua phía nước ngoài, tên doanh nghiệp nhận hàng và địa điểm giao hàng tại Việt Nam;
- Hàng hóa bán cho thương nhân nước ngoài nhưng giao hàng tại Việt Nam phải thanh toán qua ngân hàng bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi. Chứng từ thanh toán qua ngân hàng theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 16 Thông tư 219/2013/TT-BTC. Trường hợp người nhập khẩu tại chỗ được phía nước ngoài ủy quyền thanh toán cho người xuất khẩu tại chỗ thì đồng tiền thanh toán thực hiện theo quy định của pháp luật về ngoại hối.
- Hàng hóa xuất khẩu tại chỗ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải phù hợp với quy định tại giấy phép đầu tư.
Do vậy, khi hàng hóa xuất khẩu tại chỗ nếu không đủ các thủ tục, hồ sơ theo quy định thì phải tính và nộp thuế GTGT như hàng hóa tiêu thụ nội địa. Đối với doanh nghiệp có dịch vụ xuất khẩu nếu không đáp ứng điều kiện về thanh toán qua ngân hàng hoặc được coi như thanh toán qua ngân hàng thì không được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%, không phải tính thuế GTGT đầu ra nhưng không được khấu trừ thuế đầu vào.
Thuế nhà thầu
Đây là loại thuế áp dụng cho tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa tại Việt Nam theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ và có phát sinh thu nhập tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng ký giữa tổ chức, cá nhân này với doanh nghiệp Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt Nam thực hiện xuất nhập khẩu tại chỗ là đối tượng nộp thuế nhà thầu thay cho tổ chức, cá nhân nước ngoài khi tổ chức, cá nhân nước ngoài đó không đáp ứng đủ các điều kiện: thường trú tại Việt Nam, thời hạn kinh doanh tại Việt Nam theo hợp đồng nhà thầu/ hợp đồng nhà thầu phụ từ 183 ngày trở lên từ ngày hợp đồng có hiệu lực và áp dụng chế độ kế toán Việt Nam hoặc đăng ký thuế / được cấp mã số thuế.
Doanh nghiệp có hàng hóa nhập khẩu tại chỗ có trách nhiệm khấu trừ số thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp trực tiếp (phương pháp tỷ lệ tính trên doanh thu) trước khi thanh toán cho Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài.
Ví dụ: Doanh nghiệp X ở nước ngoài ký hợp đồng mua vải của doanh nghiệp Việt Nam A, đồng thời chỉ định doanh nghiệp A giao hàng cho doanh nghiệp Việt Nam B (theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ theo quy định của pháp luật). Doanh nghiệp X có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng ký giữa doanh nghiệp X với doanh nghiệp B (doanh nghiệp X bán vải cho doanh nghiệp B).
Trong trường hợp này, doanh nghiệp X là đối tượng áp dụng theo quy định tại Thông tư này và doanh nghiệp B có trách nhiệm khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho doanh nghiệp X.
Lưu ý đối với thủ tục hải quan trong xuất nhập khẩu tại chỗ:
- Doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hải quan và đối tác mua bán hàng hóa cũng là doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hải quan có hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ được giao nhận nhiều lần trong một thời hạn nhất định theo một hợp đồng/đơn hàng với cùng người mua hoặc người bán thì được giao nhận hàng hóa trước, khai hải quan sau.
- Người khai hải quan được đăng ký tờ khai hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ tại 01 Chi cục Hải quan thuận tiện; chính sách thuế, chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan. Cơ quan hải quan chỉ kiểm tra các chứng từ liên quan đến việc giao nhận hàng hóa (không kiểm tra thực tế hàng hóa).
- Đối với mỗi lần giao nhận, người xuất khẩu và người nhập khẩu phải có chứng từ chứng minh việc giao nhận hàng hóa (như hóa đơn thương mại hoặc hóa đơn GTGT hoặc hoá đơn bán hàng, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ,…), chịu trách nhiệm lưu giữ tại doanh nghiệp và xuất trình khi cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra.
Hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ phù hợp với nhiều loại hình doanh nghiệp, đặc biệt đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ vì việc xuất nhập khẩu cần nhiều đối tác, xúc tiến thương mại cũng như vấn đề nộp thuế và thủ tục hải quan.
Căn cứ pháp lý:
Tường Vân