Khoản vay được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ hoặc gia hạn nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN có được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP? – Yến Ngọc (Hậu Giang).
>> Giải thích rõ về trích lập dự phòng rủi ro tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN
>> Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 16/08/2023
Căn cứ phần Trả lời Câu hỏi 20 của bản giải đáp kèm theo Công văn 6248/NHNN-TD ngày 09/8/2023 của Ngân hàng Nhà nước, câu hỏi trên được trả lời như sau:
Thông tư 02/2023/TT-NHNN chỉ quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Việc hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thực hiện theo quy định tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN.
Trường hợp khoản vay đáp ứng được quy định tại Điều 4 Nghị định 31/2022/NĐ-CP thì được hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN.
Bản giải đáp kèm theo Công văn 6248/NHNN-TD |
Giải thích rõ về hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022 với khoản nợ được cơ cấu nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Theo Điều 4 Nghị định 31/2022/NĐ-CP, điều kiện được hỗ trợ lãi suất được quy định như sau:
- Khách hàng có đề nghị được hỗ trợ lãi suất, đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
- Khoản vay được hỗ trợ lãi suất là khoản vay bằng đồng Việt Nam, được ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 đến ngày 31 tháng 12 năm 2023, sử dụng vốn đúng mục đích theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 31/2022/NĐ-CP và chưa được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo các chính sách khác.
- Khoản vay không được tiếp tục hỗ trợ lãi suất trong các trường hợp sau:
+ Khoản vay có số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả không được hỗ trợ lãi suất đối với nghĩa vụ trả nợ lãi tại kỳ hạn trả nợ lãi mà thời điểm trả nợ nằm trong khoảng thời gian có số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả. Khoản vay chỉ được tiếp tục hỗ trợ lãi suất đối với các kỳ hạn trả nợ lãi tiếp theo sau khi khách hàng đã trả hết số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả.
+ Khoản vay được gia hạn nợ không được hỗ trợ lãi suất đối với thời gian gia hạn nợ.
Theo Điều 7 Thông tư 02/2023/TT-NHNN, trách nhiệm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quy định như sau:
(i) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu trách nhiệm về quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN, thực hiện kiểm tra, kiểm soát nội bộ đảm bảo giám sát chặt chẽ, an toàn, phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để trục lợi.
(ii) Ban hành quy định nội bộ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của Thông tư 02/2023/TT-NHNN để thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống, trong đó quy định cụ thể các nội dung sau:
- Tiêu chí xác định số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN;
- Trình tự, thủ tục, phân công, phân cấp, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận trong việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ bảo đảm nguyên tắc cá nhân, bộ phận quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ không là cá nhân, bộ phận phê duyệt cấp tín dụng, trừ trường hợp việc cấp tín dụng do Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc/Giám đốc, ngân hàng mẹ (đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài) thông qua. Trường hợp việc xét duyệt cấp tín dụng và xét duyệt cơ cấu lại thời hạn trả nợ thực hiện thông qua cơ chế hội đồng thì Chủ tịch Hội đồng xét duyệt cơ cấu lại thời hạn trả nợ không phải là Chủ tịch Hội đồng xét duyệt cấp tín dụng và ít nhất hai phần ba (2/3) thành viên Hội đồng xét duyệt cơ cấu lại thời hạn trả nợ không phải là thành viên của Hội đồng xét duyệt tín dụng;
- Tần suất rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng sau khi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định pháp luật; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.
(iii) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gửi 01 (một) bản quy định nội bộ quy định tại đoạn (ii) nêu trên cho Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt trụ sở chính) theo quy định pháp luật.
(iv) Trong thời hạn 10 (mười) ngày đầu tiên của mỗi tháng, tổ chức tín dụng (trừ quỹ tín dụng nhân dân), chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải gửi báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng) về tình hình thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đến ngày cuối cùng của tháng liền trước theo quy định tại Phụ lục 01 và Phụ lục 02 đính kèm Thông tư 02/2023/TT-NHNN.
(v) Trong thời hạn 10 (mười) ngày đầu tiên của mỗi tháng, tổ chức tín dụng là Quỹ tín dụng nhân dân phải gửi báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước chi nhánh) nơi đặt trụ sở chính về tình hình thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đến ngày cuối cùng của tháng liền trước theo quy định tại Phụ lục 01 và Phụ lục 02 đính kèm Thông tư 02/2023/TT-NHNN.