Việc trích lập dự phòng rủi ro được quy định tại Điều 6 của Thông tư 02/2023/TT-NHNN được hiểu như thế nào? – Thanh Tâm (Quảng Trị).
>> Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 16/08/2023
>> Mức phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố tại TP.HCM năm 2023
Căn cứ phần Trả lời Câu hỏi 17 của bản giải đáp kèm theo Công văn 6248/NHNN-TD ngày 09/8/2023 của Ngân hàng Nhà nước, câu hỏi trên được trả lời như sau:
Khoản 1 Điều 6 Thông tư 02/2023/TT-NHNN áp dụng đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng có số dư nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN và hiện tại khách hàng còn khoản nợ đang được giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN (số dư nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN có thể còn hoặc đã tất toán).
Bản giải đáp kèm theo Công văn 6248/NHNN-TD |
Giải thích rõ về trích lập dự phòng rủi ro tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Khoản nợ sau khi được cơ cấu nợ theo Thông tư 02 và trả nợ đầy đủ theo lịch cơ cấu thì TCTD có được hoàn chi phí dự phòng rủi ro cụ thể đã trích và hoàn lãi dự thu hay không?
Căn cứ phần Trả lời Câu hỏi 18 của bản giải đáp kèm theo Công văn 6248/NHNN-TD ngày 09/8/2023 của Ngân hàng Nhà nước, câu hỏi trên được trả lời như sau:
Điều 3 Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định: “...các nội dung liên quan đến cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro không quy định tại Thông tư này thực hiện theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.”.
Khoản 1 Điều 6 Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về trích lập dự phòng rủi ro đối với khách hàng có số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn theo quy định Thông tư 02/2023/TT-NHNN và cách thức xác định số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung, không có quy định về hoàn nhập dự phòng rủi ro. Do vậy, tổ chức tín dụng căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư 11/2021/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoàiđể thực hiện, cụ thể: “Trường hợp số tiền dự phòng cụ thể và dự phòng chung còn lại của kỳ kế toán trước lớn hơn số tiền dự phòng cụ thể và dự phòng chung phải trích của kỳ kế toán trích lập, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải hoàn nhập phần chênh lệch thừa.”
Việc hạch toán lãi phải thu của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1) được thực hiện theo khoản 4 Điều 5 Thông tư 02/2023/TT-NHNN, cụ thể: “Đối với số lãi phải thu của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1) theo quy định tại Thông tư này, kể từ ngày được cơ cấu lại, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không phải hạch toán thu nhập (dự thu) mà thực hiện theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu; thực hiện hạch toán vào thu nhập khi thu được theo quy định của pháp luật về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.”
Đề nghị NHNN hướng dẫn cách tính số tiền cần trích lập dự phòng cụ thể phải trích bổ sung đối với khách hàng đã/đang được cơ cấu tại TCTD (bao gồm cả cơ cấu nợ theo Thông tư 39 và theo Thông tư 01) và tiếp tục được cơ cấu theo Thông tư 02?
Căn cứ phần Trả lời Câu hỏi 19 của bản giải đáp kèm theo Công văn 6248/NHNN-TD ngày 09/8/2023 của Ngân hàng Nhà nước, câu hỏi trên được trả lời như sau:
Khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.” Do vậy, trường hợp khách hàng đồng thời có số dư nợ được cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 02/2023/TT-NHNN, tổ chức tín dụng trích lập dự phòng cụ thể phải trích bổ sung theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN.