Với tình hình dịch bệnh căng thẳng, nhiều doanh nghiệp đã làm ăn thua lỗ và dẫn đến phá sản. Vậy, khi doanh nghiệp phá sản nhưng còn nợ tiền BHXH, thì việc giải quyết chế độ BHXH một lần với NLĐ thế nào?
>> Thủ tục nhận bảo hiểm xã hội một lần mới nhất năm 2021
>> Không lấy sổ BHXH khi nghỉ việc: NLĐ mất nhiều quyền lợi
Giải quyết BHXH một lần thế nào khi DN phá sản nợ tiền BHXH? (ảnh minh họa)
Theo hướng dẫn tại Công văn 2802/BHXH-CSXH, BHXH Việt Nam hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố trực thuôc Trung ương thống nhất thực hiện chế độ BHXH đối với người lao động đã đủ các điều kiện bao gồm cả điều kiện về thời gian đã thực đóng vào quỹ BHXH (không bao gồm thời gian còn nợ tiền đóng BHXH) tại các đơn vị sử dụng lao động phá sản còn nợ tiền đóng BHXH.
Trong đó, hướng dẫn giải quyết hưởng BHXH một lần như sau:
(1) Đối với người hưởng theo quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 60 Luật BHXH 2014:
Giải quyết hưởng BHXH một lần đối với thời gian đã đóng BHXH (không bao gồm thời gian còn nợ tiền đóng BHXH).
Khi thời gian tham gia BHXH được đóng đủ và người lao động có yêu cầu sẽ giải quyết hưởng bổ sung BHXH một lần.
Việc giải quyết hưởng bổ sung BHXH một lần khi thời gian tham gia BHXH được đóng đủ thực hiện theo hướng dẫn tại khoản (5).
(2) Đối với người hưởng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 60 Luật BHXH 2014 mà thời gian tham gia BHXH nếu tính cả thời gian còn nợ tiền đóng BHXH vẫn chưa đủ 20 năm thì giải quyết như đối với trường hợp tại khoản (1).
(3) Đối với người hưởng theo Nghị quyết 93/2015/QH13 thì giải quyết như đối với trường hợp tại khoản (1).
Việc xác định người lao động sau một năm nghỉ việc để làm cơ sở xem xét điều kiện hưởng BHXH một lần theo Nghị quyết 93/2015/QH13, căn cứ vào thời điểm nghỉ việc cuối cùng trước khi người lao động đề nghị hưởng BHXH một lần.
(4) Để đảm bảo quyền lợi hưởng BHXH lâu dài cho người lao động, chưa giải quyết hưởng BHXH một lần đối với trường hợp có thời gian tham gia BHXH nếu tính cả thời gian còn nợ tiền đóng BHXH mà đủ 20 năm trở lên, trừ trường hợp quy định tại các điểm b, c khoản 1 Điều 60 Luật BHXH 2014.
(5) Khi thời gian tham gia BHXH được đóng bổ sung đủ thì cơ quan BHXH ghi nhận và bảo lưu toàn bộ thời gian đóng BHXH bổ sung.
Trường hợp người lao động tiếp tục có nguyện vọng hưởng BHXH một lần, cơ quan BHXH tính gộp thời gian đã giải quyết trước đó với thời gian đóng bổ sung để xác định lại mức hưởng mới theo quy định của Điều 63 Luật BHXH 2014 về điều chỉnh tiền lương tại thời điểm giải quyết điều chỉnh và trừ đi mức hưởng được tính lại tương ứng với thời gian hưởng đã được tính bao gồm cả thời gian đã làm tròn (nếu có) để chi trả bổ sung cho người lao động.
Ví dụ: Ông Nguyễn Văn A có thời gian tham gia BHXH từ tháng 01/2016 đến tháng 10/2019 là 03 năm 10 tháng; trong đó đơn vị mới đóng BHXH cho ông A từ tháng 01/2016 đến tháng 7/2018, thời gian từ tháng 8/2018 đến tháng 10/2019 đơn vị chưa đóng BHXH. Giả sử tháng 6/2021 ông A đề nghị hưởng BHXH một lần. Cơ quan BHXH giải quyết hưởng BHXH một lần cho ông A với thời gian đã thực đóng vào quỹ BHXH từ tháng 01/2016 đến tháng 7/2018 là 02 năm 7 tháng với mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH là 6.000.000 đồng.
Mức hưởng BHXH một lần của ông A là: 6.000.000đ x 3 năm (làm tròn 02 năm 7 tháng) x 2 tháng = 36.000.000 đồng.
Giả sử tháng 8/2022 ông A được đóng BHXH bổ sung cho thời gian từ tháng 8/2018 đến tháng 10/2019 với cùng mức lương của thời gian trước đó. Cơ quan BHXH giải quyết bổ sung BHXH một lần như sau:
- Tổng thời gian đóng BHXH của ông A là 03 năm 10 tháng, được làm tròn thành 4 năm.
- Giả sử mức bình quân tiền lương tháng tính lại tại thời điểm tháng 8/2022 là 7.000.000 đồng.
- Tổng mức hưởng BHXH một lần sau khi tính lại là: 7.000.000đ x 4 năm x 2 tháng = 56.000.000 đồng.
- Số tiền ông A được điều chỉnh hưởng bổ sung là: 56.000.000đ - (7.000.000đ x 3 năm x 2 tháng) = 14.000.000 đồng.
Trung Tài