Sau khi mức lương cơ sở 2023 được điều chỉnh tăng lên thì mức hưởng chế độ TNLĐ – BNN của người lao động có sự thay đổi gì hay không? Vân Trinh (Đà Nẵng)
>> Dự kiến tăng mức hưởng ốm đau, thai sản trong năm 2023
>> Bãi bỏ hàng loạt Thông tư về bảo hiểm xã hội, lao động và tiền lương
Ngày 09/10/2022, tại Hội nghị Trung ương 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Chính phủ hoàn chỉnh Báo cáo về phương án điều chỉnh tiền lương để trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã đề cập như sau:
Chính phủ đã trình các cấp có thẩm quyền dự kiến sẽ tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức khu vực công từ 1,49 triệu đồng lên khoảng 1,8 triệu/tháng (tăng khoảng 20,8%), dự kiến thực hiện từ ngày 01/7/2023. Đồng thời, nâng mức phụ cấp với một số ngành nghề, lĩnh vực cho phù hợp.
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì nhiều khoản trợ cấp chế độ tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp (TNLĐ – BNN) được tính căn cứ theo mức lương cơ sở. Do vậy, nếu đề xuất tăng lương cơ sở tại Hội nghị Trung ương 6 được thông qua thì từ ngày 01/7/2023, các khoản trợ cấp do TNLĐ – BNN sẽ được điều chỉnh tăng tương ứng, cụ thể như sau:
Theo quy định tại Điều 46 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% được hưởng trợ cấp một lần như sau: suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.
Như vậy, nếu mức lương cơ sở 2023 tăng thì mức hưởng trợ cấp một lần chế độ TNLĐ – BNN cũng sẽ được tăng tương ứng.
Ngoài mức trợ cấp một lần nêu trên, người lao động còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.
Trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng với mức như sau: suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở (Điều 47 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
Như vậy, sau khi mức lương cơ sở được điều chỉnh lên 1,8 triệu đồng/tháng thì mức hưởng trợ cấp hàng tháng chế độ TNLĐ – BNN của người lao động cũng sẽ tăng tương ứng.
Bên cạnh đó, hằng tháng người lao động còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.
Trong trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài trợ cấp hàng tháng chế độ TNLĐ – BNN tại mục 2, mỗi tháng người lao động còn được nhận một khoản trợ cấp phục bằng mức lương cơ sở (Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
Do đó, mức hưởng trợ cấp phục vụ của người lao động cũng tăng từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng sau khi điều chỉnh mức lương cơ sở.
Tại Điều 51 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định:
Điều 51. Trợ cấp một lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở.
Hiện nay, 36 lần mức lương cơ sở là 53.640.000 đồng, nếu mức lương cơ sở tăng thì mức trợ cấp một lần cho thân nhân của người lao động chết do TNLĐ – BNN hoặc chết trong thời gian điều trị lần đầu do TNLĐ – BNN sẽ là 64.800.000 đồng.
Theo quy định tại Điều 52 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày.
Mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình; bằng 40% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại cơ sở tập trung.
Chiếu theo quy định nói trên thì sau khi điều chỉnh mức lương cơ sở, trong trường hợp người lao động cần nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị ổn định thương tật do TNLĐ – BNN sẽ được nhận một khoản trợ cấp với mức hưởng như sau:
- Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình: 450.000 đồng/ngày;
- Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại cơ sở tập trung: 720.000 đồng/ngày.