Theo quy định mới, thì sắp tới mức vốn vay ưu đãi đối với doanh nghiệp tại các vùng khó khăn là bao nhiêu? – Hà Anh (Quảng Bình).
>> Các biểu mẫu sử dụng trong công tác phòng cháy và chữa cháy năm 2023
>> Thủ tục cấp lại GCN đủ điều kiện kiểm định xe cơ giới từ ngày 08/6/2023
Ngày 05/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 17/2023/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 31/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn và Quyết định 92/2009/QĐ-TTg về tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 08/8/2023.
Theo đó, từ ngày 08/8/2023, mức vốn cho vay ưu đãi đối với tổ chức kinh tế tại các vùng khó khăn được quy định như sau:
Căn cứ tại khoản 2 Điều 2 Quyết định 17/2023/QĐ-TTg, tại các vùng khó khăn, doanh nghiệp được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật thì có mức vốn cho vay ưu đãi tối đa là 1 tỷ đồng/doanh nghiệp (Mức vốn cho vay áp dụng trước ngày 08/8/2023 theo Quyết định 92/2009/QĐ-TTg là 500 triệu đồng).
Bảng lãi suất vay tiền và gửi tiết kiệm tại Ngân hàng tháng 6/2023 |
Doanh nghiệp tại vùng khó khăn được vay ưu đãi đến 1 tỷ đồng từ ngày 08/8/2023 (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ tại khoản 1 Điều 2 Quyết định 17/2023/QĐ-TTg, vùng khó khăn được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi đối với doanh nghiệp bao gồm:
(i) Các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) quy định trong Danh mục các đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng khó khăn do Thủ tướng Chính phủ ban hành cho từng thời kỳ.
(ii) Các huyện đảo không có đơn vị hành chính cấp xã nhưng thuộc Danh sách xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo do Thủ tướng Chính phủ ban hành cho từng thời kỳ.
(iii) Các thôn không thuộc các xã nêu tại đoạn (i) của Mục này nhưng thuộc Danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do cấp có thẩm quyền ban hành cho từng thời kỳ.
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Quyết định 92/2009/QĐ-TTg, doanh nghiệp hoạt động thương mại thường xuyên ở vùng khó khăn để được vay vốn phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi doanh nghiệp hoạt động thương mại xác nhận có thực hiện hoạt động thương mại thường xuyên trên địa bàn.
- Có vốn tự có (bao gồm: giá trị vật tư, quyền sử dụng đất, tiền vốn) tham gia tối thiểu bằng 20% tổng nhu cầu vốn vay cho hoạt động thương mại tại địa bàn vùng khó khăn.
- Thực hiện các biện pháp bảo đảm tiền vay như sau:
+ Doanh nghiệp vay vốn đến 100 triệu đồng không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.
+ Doanh nghiệp vay vốn trên 100 triệu đồng phải thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Căn cứ theo quy định tại Điều 15 Quyết định 92/2009/QĐ-TTg, doanh nghiệp vay vốn phải có các trách nhiệm sau đây:
- Lập hồ sơ vay vốn theo hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách xã hội và chịu trách nhiệm về tính chính xác và hợp pháp của các tài liệu gửi Ngân hàng Chính sách xã hội.
- Thực hiện đầy đủ nguyên tắc vay vốn theo quy định tại Điều 6 Quyết định 92/2009/QĐ-TTg.
- Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và các cam kết khác trong hợp đồng tín dụng.
- Chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội về việc sử dụng vốn, trả nợ, trả lãi ngân hàng.
Quý khách hàng xem chi tiết các vùng khó khăn được vay vốn với lãi suất 9%/năm từ ngày 08/8/2023 >> TẠI ĐÂY