Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc phải được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và phải có giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm.
Căn cứ Điều 14 Nghị định 23/2021/NĐ-CP, điều kiện cấp giấy phép hoạt động của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm được quy định như sau:
(i) Có địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh để tổ chức hoạt động dịch vụ việc làm thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc được doanh nghiệp thuê ổn định theo hợp đồng từ 03 năm trở lên.
(ii) Doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ 300 triệu đồng.
(iii) Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thực hiện hoạt động dịch vụ việc làm phải bảo đảm điều kiện:
- Là người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020.
- Không thuộc một trong các trường hợp sau đây: Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, trốn khỏi nơi cư trú, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan đến dịch vụ việc làm.
- Có trình độ từ đại học trở lên hoặc đã có thời gian trực tiếp làm chuyên môn hoặc quản lý dịch vụ việc làm hoặc cung ứng lao động từ đủ 02 năm trở lên trong thời hạn 05 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép.
Tổng hợp biểu mẫu về hoạt động dịch vụ việc làm dành cho doanh nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm và người lao động |
Bảng tra cứu mức lương tối thiểu vùng theo cấp huyện từ ngày 01/7/2024 |
Điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm năm 2024 (Ảnh minh họa - Nguồn Internet)
Căn cứ khoản 2 Điều 16 Nghị định 23/2021/NĐ-CP, thời hạn của giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm được quy định như sau:
(i) Thời hạn giấy phép tối đa là 60 tháng.
(ii) Giấy phép được gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối đa là 60 tháng.
(iii) Thời hạn giấy phép được cấp lại bằng thời hạn còn lại của giấy phép đã được cấp trước đó.
Căn cứ Điều 40 Luật Việc làm 2013, hoạt động của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm bao gồm:
(i) Tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, người sử dụng lao động.
(ii) Cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động.
(iii) Thu thập và cung cấp thông tin thị trường lao động.
(iv) Phân tích và dự báo thị trường lao động.
(v) Đào tạo kỹ năng, dạy nghề theo quy định của pháp luật.
(vi) Thực hiện các chương trình, dự án về việc làm.
Điều 23. Ký quỹ và sử dụng tiền ký quỹ của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm - Nghị định 23/2021/NĐ-CP 1. Doanh nghiệp thực hiện ký quỹ theo mức quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định này tại ngân hàng thương mại của Việt Nam hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (sau đây gọi là ngân hàng nhận ký quỹ). 2. Tiền ký quỹ của doanh nghiệp được sử dụng trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trong hoạt động dịch vụ việc làm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày rút tiền ký quỹ để thanh toán đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 26 Nghị định này, doanh nghiệp phải nộp bổ sung tiền ký quỹ bảo đảm theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định này. 4. Trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày hết hạn quy định tại khoản 3 Điều này mà doanh nghiệp không bổ sung đầy đủ tiền ký quỹ thì ngân hàng nhận ký quỹ có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của ngân hàng nhận ký quỹ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy phép của doanh nghiệp theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 21 Nghị định này. |