Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2023) thì có điểm gì mới về phá sản doanh nghiệp bảo hiểm? – Thúy Hồng (Tiền Giang).
>> Các công việc pháp lý về xuất nhập khẩu, website và thương mại điện tử
>> Các công việc pháp lý về quản trị, điều hành, tài sản doanh nghiệp
Hiện nay, theo Điều 83 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000, trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, sau khi áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán mà vẫn mất khả năng thanh toán thì việc phá sản doanh nghiệp bảo hiểm được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản doanh nghiệp.
Tuy nhiên, kể từ ngày 01/01/2028, quy định phá sản doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm được thực hiện theo Điều 116 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, sau khi Bộ Tài chính ban hành văn bản chấm dứt áp dụng biện pháp kiểm soát quy định tại điểm c khoản 11 Điều 113 của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản theo quy định của Luật Phá sản; trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì Bộ Tài chính nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Thứ hai, khi nhận được yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm nêu trên, Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản, tuyên bố doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm phá sản và áp dụng ngay thủ tục thanh lý tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm mà không tổ chức hội nghị chủ nợ và thực hiện thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh.
Thứ ba, việc phân chia tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm trong trường hợp phá sản được thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau đây:
- Chi phí phá sản.
- Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động.
- Khoản trả tiền bồi thường, trả tiền bảo hiểm đối với các yêu cầu đòi bồi thường, trả tiền bảo hiểm đã được doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm chấp thuận chi trả giá trị hoàn lại, giá trị tài khoản hợp đồng bảo hiểm hoặc hoàn phí bảo hiểm.
- Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ;
- Chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm.
Thứ tư, trường hợp giá trị tài sản không đủ để thanh toán quy định nêu trên thì các đối tượng thuộc cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.
Thứ năm, nội dung về phá sản doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm không được quy định nêu trên thì thực hiện theo quy định của Luật Phá sản.
Tổng hợp điểm mới Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2023) |
Điểm mới về phá sản doanh nghiệp bảo hiểm theo Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022
Căn cứ Điều 107 Nghị định 73/2016/NĐ-CP, hiện nay, hạn mức chi trả của Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm được thực hiện như sau:
Thứ nhất, đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, Quỹ chi trả tối đa 90% mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, nhưng không quá 200 triệu đồng/người được bảo hiểm/hợp đồng. Mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tương ứng với từng trường hợp được quy định như sau:
- Đối với các hợp đồng đã xảy ra sự kiện bảo hiểm nhưng chưa được chi trả quyền lợi bảo hiểm, mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm là quyền lợi bảo hiểm được hưởng theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.
- Đối với các hợp đồng mang tính tiết kiệm, có giá trị hoàn lại và đang còn hiệu lực, mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm tương ứng với giá trị hoàn lại của hợp đồng tại thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán hoặc phá sản.
- Đối với các hợp đồng chỉ mang tính bảo vệ, không có giá trị hoàn lại và đang còn hiệu lực, mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm tương ứng phần phí bảo hiểm đã đóng cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm.
- Đối với các hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư đang còn hiệu lực, mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm tương ứng với giá trị tài khoản của khách hàng tại thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán hoặc phá sản.
- Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có nhiều người được bảo hiểm, hạn mức chi trả tối đa của Quỹ quy định nêu trên được áp dụng đối với từng người được bảo hiểm, trừ trường hợp giữa những người được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thỏa thuận khác tại hợp đồng bảo hiểm.
Thứ hai, đối với hợp đồng bảo hiểm sức khỏe:
- Quỹ chi trả tối đa 90% mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài nhưng không quá 200 triệu đồng/người được bảo hiểm/hợp đồng.
- Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm sức khỏe có nhiều người được bảo hiểm, hạn mức chi trả tối đa của Quỹ quy định nêu trên được áp dụng đối với từng người được bảo hiểm, trừ trường hợp giữa những người được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài có thỏa thuận khác tại hợp đồng bảo hiểm.
Thứ ba, đối với hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ:
- Đối với hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, Quỹ chi trả tối đa mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài thuộc phạm vi bảo hiểm theo quy định pháp luật hiện hành.
- Đối với hợp đồng bảo hiểm thuộc các nghiệp vụ bảo hiểm khác theo quy định pháp luật, Quỹ chi trả tối đa 80% mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, nhưng không quá 100 triệu đồng/hợp đồng.
Lưu ý: Căn cứ khoản 4, khoản 5 Điều 157 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, kể từ ngày 01/01/2023, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.
Việc xử lý số dư Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm theo quy định hiện hành được thực hiện như sau:
- Toàn bộ số dư của Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm được Bộ Tài chính quản lý để sử dụng cho mục đích bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán hoặc phá sản.
- Chính phủ quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư của Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.
Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 bãi bỏ Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm nhưng vẫn yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm lập Quỹ dự trữ theo Điều 98.
Điều 98. Quỹ dự trữ - Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 1. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải trích lập quỹ dự trữ bắt buộc để bổ sung vốn chủ sở hữu và bảo đảm khả năng thanh toán. 2. Quỹ dự trữ bắt buộc được trích hằng năm theo tỷ lệ 05% lợi nhuận sau thuế cho đến khi bằng mức tối đa theo quy định của Chính phủ. 3. Ngoài quỹ dự trữ bắt buộc, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam có thể lập các quỹ dự trữ khác từ lợi nhuận sau thuế của năm tài chính theo quy định tại điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, quy chế tổ chức và hoạt động của chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam. |