Cho tôi hỏi năm 2023 pháp luật quy định có những loại hợp đồng bảo hiểm nào? Hợp đồng bảo hiểm phải có những nội dung gì? – Ngọc Khánh (Phú Yên).
>> Năm 2023, người lao động sinh con vào tháng mấy sẽ lợi hơn về chế độ thai sản?
>> Các trường hợp tạm dừng, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp năm 2023?
Tại khoản 1 Điều 15 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2023) quy định có các loại hợp đồng bảo hiểm sau:
(1) Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ;
(2) Hợp đồng bảo hiểm sức khỏe;
(3) Hợp đồng bảo hiểm tài sản;
(4) Hợp đồng bảo hiểm thiệt hại;
(5) Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm.
Trong đó, hợp đồng bảo hiểm tại (3), (4), (5) nêu trên thuộc loại hình bảo hiểm phi nhân thọ.
Lưu ý:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 thì doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận giao kết một loại hợp đồng bảo hiểm hoặc kết hợp nhiều loại hợp đồng bảo hiểm nêu trên và bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 63 của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.
Hợp đồng bảo hiểm hàng hải được thực hiện theo quy định của Bộ luật Hàng hải 2015; nội dung không quy định tại Bộ luật Hàng hải thì thực hiện theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (khoản 3 Điều 15 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022).
Nội dung liên quan đến hợp đồng bảo hiểm không được quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 thì thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 (khoản 4 Điều 15 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022).
Nội dung phải có trong hợp đồng bảo hiểm 2023 theo Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (Ảnh minh họa)
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 thì hợp đồng bảo hiểm phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
(1) Bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng (nếu có), doanh nghiệp bảo hiểm hoặc chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài;
(2) Đối tượng bảo hiểm;
(3) Số tiền bảo hiểm hoặc giá trị tài sản được bảo hiểm hoặc giới hạn trách nhiệm bảo hiểm;
(4) Phạm vi hoặc quyền lợi bảo hiểm; quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm;
(5) Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm;
(6) Thời hạn bảo hiểm, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm;
(7) Mức phí bảo hiểm, phương thức đóng phí bảo hiểm;
(8) Phương thức bồi thường, trả tiền bảo hiểm;
(9) Phương thức giải quyết tranh chấp.
Theo quy định tại Điều 18 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 thì hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản.
Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng, giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Căn cứ tại khoản 1 Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 thì điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm quy định các trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm.
Trường hợp có điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm, phải giải thích rõ ràng, đầy đủ và có bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài giải thích đầy đủ và hiểu rõ nội dung này khi giao kết hợp đồng bảo hiểm (khoản 2 Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022).
Trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan dẫn đến bên mua bảo hiểm chậm thông báo sự kiện bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không được áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm về việc chậm thông báo (khoản 3 Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022).
>> Xem thêm bài viết: Điểm mới về phá sản doanh nghiệp bảo hiểm theo Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022