Nếu người lao động sinh con trong năm 2023 thì sinh vào tháng mấy để có lợi hơn về chế độ thai sản? – Thùy Linh (Cà Mau).
>> Các trường hợp tạm dừng, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp năm 2023?
>> Ai phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp năm 2023?
Trong năm 2023, bên cạnh việc lựa chọn “tuổi đẹp” để sinh con thì chế độ thai sản dành cho người lao động cũng có sự gia tăng đáng kể. Vậy, các cặp vợ chồng nên sinh con vào tháng mấy để có lợi nhất?
Hiện nay, điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với người lao động khi sinh con được quy định tại Điều 30 và Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, cụ thể:
- Đối với lao động nam: tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà có vợ sinh con.
- Đối với lao động nữ: thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con.
+ Đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ, trong đó phải từ đủ 03 tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con.
Lưu ý: Nếu lao động nữ chấm dứt hợp đồng lao động hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con nhưng vẫn đáp ứng thời gian đóng bảo hiểm xã hội của các trường hợp nêu trên thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.
Lúc này người lao động phải tự nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản tại cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú chứ không làm thủ tục hưởng thông qua công ty.
File Excel tính mức hưởng chế độ thai sản khi sinh con năm 2023 |
Chế độ thai sản năm 2023, sinh con vào tháng mấy sẽ có lợi hơn? (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Khi sinh con năm 2023, lao động nữ sẽ nhận được 03 khoản tiền thuộc chế độ thai sản, bao gồm:
(1) Trợ cấp một lần khi sinh con (theo Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)
Khi lao động nữ sinh con thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.
Trợ cấp một lần/con = 2 x Mức lương cơ sở
(2) Trợ cấp thai sản (theo khoản 1 Điều 34 và khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)
Khi lao động nữ sinh con sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Trợ cấp thai sản = 100% x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH 6 tháng trước khi nghỉ x Số tháng nghỉ chế độ
Lưu ý: Mức trợ cấp thai sản nhiều hay ít sẽ phụ thuộc vào mức tiền lương cụ thể đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và số tháng nghỉ thai sản của mỗi người lao động.
(3) Tiền dưỡng sức sau khi sinh con (theo Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)
Lao động nữ ngay sau khi nghỉ hết thời gian hưởng chế độ thai sản mà trong 30 ngày đầu làm việc, sức khỏe còn yếu thì có thể được xem xét giải quyết nghỉ chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 đến 10 ngày (bao gồm cả ngày lễ, Tết và nghỉ hằng tuần).
Với mỗi ngày nghỉ, lao động nữ sẽ được thanh toán chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản với mức hưởng như sau:
Trợ cấp dưỡng sức sau thai sản/ngày = 30% x Mức lương cơ sở
Khi vợ sinh con, lao động nam có thể nhận được 02 khoản tiền chế độ thai sản, bao gồm:
(1) Trợ cấp một lần khi vợ sinh con (nếu vợ không tham gia bảo hiểm xã hội hoặc tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản) (theo khoản 2 Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, được bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH)
Lao động nam có vợ sinh con sẽ được hưởng trợ cấp một lần nếu thuộc một trong các trường hợp:
- Đối với trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con;
- Trường hợp người mẹ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con mà người cha đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì người cha được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con theo Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
Trợ cấp một lần/con = 2 x Mức lương cơ sở
(2) Trợ cấp thai sản (khoản 2 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)
Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:
- 05 ngày làm việc;
- 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
- Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;
- Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Lưu ý: Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản nêu trên được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
Mỗi ngày nghỉ, lao động nam sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán số tiền thai sản theo Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
Trợ cấp thai sản = 100% x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH 6 tháng trước khi nghỉ : 24 x Số ngày nghỉ
Mức trợ cấp thai sản nhiều hay ít sẽ phụ thuộc vào mức tiền lương cụ thể đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và số ngày nghỉ của mỗi người lao động.
Trong năm 2023, có sự thay đổi về mức lương cơ sở từ 1.490.000 đồng tăng đến 1.800.000 đồng kể từ ngày 01/7/2023 theo Nghị quyết 69/2022/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 được Quốc hội thông qua ngày 11/11/2022. Do đó, mức lương cơ sở năm 2023 sẽ được chia làm 02 giai đoạn:
- Giai đoạn 1 (từ ngày 01/01/2023 đến 30/6/2023) mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng;
- Giai đoạn 2 (từ ngày 01/07/2023 đến 31/12/2023) mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng.
Do đó, dựa trên các mức hưởng chế độ thai sản của người lao động được nêu tại mục 2, có thể thấy mức hưởng chế độ thai sản khi sinh con cũng có sự khác biệt trong từng giai đoạn tương ứng, cụ thể:
Chế độ thai sản |
Giai đoạn |
Mức tăng thêm |
||
Trước 01/7/2023 |
Sau 01/7/2023 |
|||
LĐ nữ |
Trợ cấp 01 lần khi sinh con |
2.980.000 đồng/con |
3.600.000 đồng/con |
620.000 đồng/con |
Trợ cấp dưỡng sức sau thai sản |
447.000 đồng/ngày |
540.000 đồng/ngày |
93.000 đồng/ngày |
|
LĐ nam |
Trợ cấp 01 lần khi vợ sinh con |
2.980.000 đồng/con |
3.600.000 đồng/con |
620.000 đồng/con |
Như vậy, nếu người lao động sinh con trong giai đoạn 06 tháng cuối năm 2023 (từ sau ngày 01/7/2023) thì sẽ được hưởng mức trợ cấp một lần khi sinh con tăng đến 620.000 đồng/con; riêng đối với lao động nữ thì mức trợ cấp dưỡng sức sau thai sản cũng tăng thêm 93.000 đồng/ngày.
>> Xem thêm bài viết:
>> Điều kiện để người lao động hưởng chế độ thai sản năm 2023?
>> Điểm mới về mức trợ cấp một lần khi sinh con, nhận nuôi con nuôi năm 2023
>> Từ 01/7/2023, tăng mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản