Người thân mất người lao động được nghỉ mấy ngày làm việc? Công ty từ chối không cho người lao động nghỉ khi người thân mất có bị phạt không?
>> Trách nhiệm thành lập Ban trọng tài lao động thuộc về cơ quan nào?
>> Thời gian nghỉ không lương có được coi là thời gian làm việc để tính phép năm không?
Căn cứ Điều 115 Bộ luật Lao động 2019, quy định nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương của người lao động như sau:
Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương
1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:
a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
b) Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.
2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.
Theo đó, khi gia đình có người thân mất, người lao động sẽ được nghỉ với số ngày như sau:
(i) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi mất: Nghỉ 03 ngày.
Lưu ý: Trường hợp này người lao động nghỉ việc được hưởng nguyên lương và phải thông báo với công ty.
(ii) Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột mất: Nghỉ 01 ngày.
Lưu ý: Trường hợp này người lao động nghỉ không hưởng lương và phải thông báo với công ty.
Ngoài ra, trường hợp người lao động muốn nghỉ thêm có thể thực hiện theo một trong hai cách sau:
Cách 1: Thỏa thuận với công ty về việc nghỉ làm không hưởng lương.
Thời gian nghỉ sẽ do các bên thỏa thuận mà không giới hạn số ngày nghỉ tối đa.
Cách 2: Xin nghỉ phép năm.
Căn cứ Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, mỗi người lao động làm đủ một năm sẽ có ít nhất 12 - 16 ngày phép.
Do đó, nếu còn phép năm, người lao động có người thân mất có thể xin nghỉ phép năm.
![]() |
Mẫu đơn xin nghỉ không lương và hướng dẫn cách ghi |
Người thân mất người lao động được nghỉ mấy ngày làm việc (Ảnh minh họa - Nguồn Internet)
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, quy định mức xử phạt đối với hành vi ci phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi như sau:
Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Không bảo đảm cho người lao động nghỉ việc riêng hoặc nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật;
Lưu ý: Mức phạt tiền trên chỉ áp dụng đối với cá nhân, trường hợp tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt cá nhân (theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Như vậy, công ty không bảo đảm cho người lao động nghỉ việc khi người thân theo quy định pháp luật bị phạt tiền từ 04 -10 triệu đồng.
Căn cứ khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
(i) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01/01 dương lịch).
(ii) Tết Âm lịch: 05 ngày.
(iii) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30/4 dương lịch).
(iv) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01/5 dương lịch).
(v) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02/9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
(vi) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10/3 âm lịch).
Lưu ý: Đối với lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ trên còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ (theo khoản 2 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019).