Luật Thuế Giá trị gia tăng 2024 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2025. Theo đó sẽ có những thay đổi về giá tính thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu. Cụ thể như sau:
>> Ngừng miễn thuế VAT hàng hóa dưới 01 triệu đồng nhập khẩu qua Shoppe, Tiktok từ 14/01/2025
>> Từ năm 2026, nâng mức doanh thu chịu thuế GTGT của hộ, cá nhân kinh doanh
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 7 Luật Thuế giá trị gia tăng 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2025), quy định về giá tính thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu như sau:
Giá tính thuế
...
b) Đối với hàng hóa nhập khẩu là trị giá tính thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu cộng với các khoản thuế là thuế nhập khẩu bổ sung theo quy định của pháp luật (nếu có), cộng với thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) và cộng với thuế bảo vệ môi trường (nếu có);
Theo đó, giá tính thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu = Giá tính thuế nhập khẩu + Thuế nhập khẩu + Các khoản thuế là thuế nhập khẩu bổ sung (nếu có) + Thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) + Thuế bảo vệ môi trường (nếu có).
Trong khi đó, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Luật số 31/2013/QH13), quy định về giá tính thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu như sau:
Giá tính thuế GTGT = Giá nhập tại cửa khẩu + thuế nhập khẩu (nếu có) + thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) + thuế bảo vệ môi trường (nếu có).
Trong đó, giá nhập tại cửa khẩu được xác định theo quy định về giá tính thuế hàng nhập khẩu.
File word Luật Quản lý thuế và văn bản hướng dẫn mới nhất |
Điểm mới giá tính thuế GTGT hàng hóa nhập khẩu theo Luật Thuế GTGT 2024
(Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Căn cứ khoản 1 Điều 8 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, trị giá tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là trị giá hải quan theo quy định của Luật Hải quan 2014.
Đồng thời căn cứ khoản 2 Điều 20 Nghị định 08/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 8 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP), trị giá hải quan hàng nhập khẩu là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên.
Cửa khẩu nhập đầu tiên được xác định như sau:
- Đối với phương thức vận tải đường biển, đường hàng không, cửa khẩu nhập đầu tiên là cảng dỡ hàng ghi trên vận đơn.
- Đối với phương thức vận tải đường sắt, cửa khẩu nhập đầu tiên là ga đường sắt liên vận quốc tế ghi trên tờ khai hải quan.
- Đối với phương thức vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, cửa khẩu nhập đầu tiên là cửa khẩu biên giới nơi hàng hóa nhập khẩu đi vào lãnh thổ Việt Nam ghi trên tờ khai hải quan.
Như vậy, giá tính thuế nhập khẩu là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên và được tính theo công thức sau:
Giá tính thuế nhập khẩu = Trị giá FOB + chi phí vận tải + chi phí bảo hiểm (nếu có).
Trong đó: Giá FOB là giá mua chưa bao gồm chi phí vận tải, phí bảo hiểm.
Trị giá FOB là trị giá hàng hóa đã giao qua mạn tàu, bao gồm chi phí vận chuyển đến cảng hoặc địa điểm cuối cùng trước khi tàu chở hàng rời bến. Trị giá FOB được tính theo quy định tại Điều VII Hiệp định Chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) 1994 và Hiệp định về Trị giá Hải quan (khoản 6 Điều 3 Thông tư 05/2018/TT-BCT).
Căn cứ khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 4 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, thuế nhập khẩu bổ sung bao gồm: Thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và thuế tự vệ. Cụ thể như sau:
- Thuế chống bán phá giá là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
- Thuế chống trợ cấp là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được trợ cấp nhập khẩu vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
- Thuế tự vệ là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp nhập khẩu hàng hóa quá mức vào Việt Nam gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
Tóm lại, thuế nhập khẩu bổ sung bao gồm: Thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và thuế tự vệ.