Có phải sắp tới sẽ có quy định giảm 50% kinh phí công đoàn năm 2023 để phần nào giảm khó khăn cho doanh nghiệp hay không? – Trà My (Bình Phước).
>> Cấm hành vi ngăn cản người tiêu dùng kiểm tra sản phẩm từ ngày 01/7/2024
>> Giảm 2% lãi suất vay vốn tại Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa
Theo điểm e khoản 3 Mục III Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương: Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu, giảm mức phí công đoàn từ 2% xuống 1% (tức giảm 50% kinh phí công đoàn) và giãn thời hạn nộp kinh phí trong năm 2023.
Bên cạnh đó, Chính phủ đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu để tiếp tục triển khai thực hiện đến hết năm 2023 chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng theo Nghị quyết 06/NQ-ĐCT ngày 16 tháng 1 năm 2023, Quyết định 6696/QĐ-TLĐ ngày 16 tháng 1 năm 2023 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Danh sách văn bản Trung ương mới nhất [Cập nhật liên tục và kịp thời] |
Đề xuất giảm 50% kinh phí công đoàn năm 2023 cho doanh nghiệp (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ khoản 2 Điều 26 Luật Công đoàn 2012, hiện nay, kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Căn cứ theo Điều 38 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định về đóng kinh phí công đoàn như sau:
(i) Phạt tiền với mức từ 12% đến dưới 15% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
- Chậm đóng kinh phí công đoàn;
- Đóng kinh phí công đoàn không đúng mức quy định;
- Đóng kinh phí công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng.
(ii) Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng kinh phí công đoàn cho toàn bộ người lao động thuộc đối tượng phải đóng.
(iii) Biện pháp khắc phục hậu quả
Chậm nhất 30 ngày, kể từ ngày có quyết định xử phạt, người sử dụng lao động phải nộp cho tổ chức công đoàn số tiền kinh phí công đoàn chậm đóng, đóng chưa đủ hoặc chưa đóng và khoản tiền lãi của số tiền kinh phí công đoàn chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm nêu tại đoạn (i) và (ii) Mục này.
Lưu ý: mức phạt tiền nêu trên là mức phạt áp dụng đối với cá nhân vi phạm, nếu tổ chức vi phạm thì bị phạt tiền với mức gấp đôi cá nhân (căn cứ khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Điều 27. Quản lý, sử dụng tài chính công đoàn – Luật Công đoàn 2012 1. Công đoàn thực hiện quản lý, sử dụng tài chính công đoàn theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. 2. Tài chính công đoàn được sử dụng cho hoạt động thực hiện quyền, trách nhiệm của Công đoàn và duy trì hoạt động của hệ thống công đoàn, bao gồm các nhiệm vụ sau đây: a) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động; b) Tổ chức hoạt động đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; c) Phát triển đoàn viên công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở, xây dựng công đoàn vững mạnh; d) Tổ chức phong trào thi đua do Công đoàn phát động; đ) Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn; đào tạo, bồi dưỡng người lao động ưu tú tạo nguồn cán bộ cho Đảng, Nhà nước và tổ chức công đoàn; e) Tổ chức hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch cho người lao động; g) Tổ chức hoạt động về giới và bình đẳng giới; h) Thăm hỏi, trợ cấp cho đoàn viên công đoàn và người lao động khi ốm đau, thai sản, hoạn nạn, khó khăn; tổ chức hoạt động chăm lo khác cho người lao động; i) Động viên, khen thưởng người lao động, con của người lao động có thành tích trong học tập, công tác; k) Trả lương cho cán bộ công đoàn chuyên trách, phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ công đoàn không chuyên trách; l) Chi cho hoạt động của bộ máy công đoàn các cấp; m) Các nhiệm vụ chi khác. Điều 28. Tài sản công đoàn - Luật Công đoàn 2012 Tài sản được hình thành từ nguồn đóng góp của đoàn viên công đoàn, từ nguồn vốn của Công đoàn; tài sản do Nhà nước chuyển giao quyền sở hữu cho Công đoàn và các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật là tài sản thuộc sở hữu của Công đoàn. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện quyền, trách nhiệm sở hữu tài sản của Công đoàn theo quy định của pháp luật. |