Ngày 27/3/2024, Bộ Công Thương đã công bố dự thảo tờ trình về việc ban hành Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, thay thế các Nghị định trước đây.
>> Cấp lại giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán từ 01/7/2024
>> Quy định mới đối với cá nhân, tổ chức bán hàng online từ 01/07/2024
Theo Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP, Bộ Công Thương đề xuất một số sửa đổi một số quy định như sau:
Theo khoản 2 và khoản 3 Điều 32 Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu được quyền quyết định giá bán buôn.
Căn cứ vào tình hình thực tế tại doanh nghiệp, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu quyết định giá bán xăng dầu trong hệ thống phân phối của mình phù hợp với chi phí phát sinh thực tế tại doanh nghiệp và không cao hơn giá bán xăng dầu tối đa theo quy định.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu thực hiện điều chỉnh giá bán xăng dầu theo kỳ 15 ngày một lần, bắt đầu tính từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành.
Trường hợp thời gian điều chỉnh giá trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên Đán thì được thực hiện như sau: Thời gian điều chỉnh giá trùng vào ngày cuối cùng của năm Âm lịch (29 hoặc 30 Tết Nguyên Đán), việc điều chỉnh giá xăng dầu được thực hiện vào ngày làm việc liền kề trước đó. Thời gian điều chỉnh giá là ngày mùng 1, mùng 2 hoặc mùng 3 Tết, thời gian điều chỉnh giá xăng dầu được thực hiện vào ngày mùng 4 Tết.
Trường hợp thời gian điều chỉnh giá trùng với ngày nghỉ lễ theo quy định thì được thực hiện như sau: Thời gian điều chỉnh giá trùng với ngày đầu tiên dịp nghỉ lễ, thời gian điều chỉnh giá xăng dầu được thực hiện vào ngày làm việc liền kề trước đó. Thời gian điều chỉnh giá trùng vào các ngày nghỉ lễ còn lại, thời gian điều chỉnh giá xăng dầu được thực hiện vào ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ.
Theo đó ở lần xây dựng nghị định mới, Bộ Công Thương đề xuất Nhà nước không tham gia vào quá trình điều hành giá nhưng công bố các yếu tố hình thành giá để doanh nghiệp tự quyết định giá. Cụ thể, Nhà nước công bố giá thế giới bình quân 15 ngày, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu căn cứ các yếu tố cố định như thuế các loại, được quyền cộng thêm các khoản chi phí định mức đã được quy định tại Nghị định để công bố giá bán xăng dầu trên thị trường. Giá bán xăng dầu của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trên thị trường không được vượt quá giá bán được tính toán theo công thức quy định tại Mục 2.
Trong khi đó theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Nghị định 83/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 27 Điều 1 Nghị định 95/2021/NĐ-CP), thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu được quyền quyết định giá bán buôn. Căn cứ vào tình hình thực tế tại doanh nghiệp, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu quyết định giá bán lẻ xăng dầu (riêng dầu madút là giá bán buôn) trong hệ thống phân phối của mình phù hợp với chi phí phát sinh thực tế tại doanh nghiệp và không cao hơn giá điều hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố.
Toàn văn File word Luật Doanh nghiệp và văn bản hướng dẫn năm 2024 |
Đề xuất doanh nghiệp được tự quyết định giá bán xăng dầu (Ảnh minh họa - Nguồn Internet)
Theo khoản 1 Điều 33 Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất công thức tính giá bán xăng dầu tối đa như sau:
Giá bán xăng dầu tối đa = (Giá xăng dầu thế giới x tỷ giá ngoại tệ) + thuế nhập khẩu + thuế tiêu thụ đặc biệt + thuế bảo vệ môi trường + thuế GTGT + tỷ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong đó:
- Giá bán xăng dầu tối đa là giá bán cao nhất do thương nhân đầu mỗi kinh doanh xăng dầu công bố.
- Giá xăng dầu thế giới là giá xăng dầu thế giới tính bình quân 15 ngày liên tiếp.
- Tỷ giá ngoại tệ là tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đồng đô la Mỹ bán ra cuối ngày của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam tính bình quân 15 ngày theo số ngày có giá xăng dầu thế giới.
- Tỷ lệ chỉ phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp được tính theo các mức tối đa như sau:
+ Tối đa là ...% (chẳng hạn là 20%) trong trường hợp bình quân giá xăng dầu thế giới 15 ngày đạt mức... USD/thùng (chẳng hạn là 30 USD/thùng).
+ Tối đa là ...% (chẳng hạn là 10%) trong trường hợp bình quân giá xăng dầu thế giới 15 ngày đạt mức trên ... USD/thùng đến ... USD/thùng (chẳng hạn là 30 USD/thùng đến 60 USD/thùng).
+ Tối đa là ...% (chẳng hạn là 07%) trong trường hợp bình quân giá xăng dầu thế giới 15 ngày đạt mức trên ... USD/thùng đến USD/thùng (chẳng hạn là 60 USD/thùng đến 90 USD/thùng).
+ Tối đa là ...% (chẳng hạn là 05%) trong trường hợp bình quân giá xăng dầu thế giới 15 ngày đạt mức trên ... USD/thùng đến ... USD/thùng (chẳng hạn là 90 USD/thùng đến 120 USD/thùng).
+ Tối đa là ...% (chẳng hạn là 04%) trong trường hợp bình quân giá xăng dầu thế giới 15 ngày đạt mức trên …USD/thùng (chẳng hạn là 120 USD/thùng).
(Mức cụ thể của tỷ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận chưa được quy định cụ thể.)
- Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng thực hiện theo quy định pháp luật về thuế.
Theo khoản 5, khoản 6 và khoản 8 Điều 7 Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu, ngoài nội dung điều kiện kinh doanh quy định hiện hành tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP, dự thảo Nghị định bổ sung thêm mới điều kiện đối với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu như sau:
(i) Có hệ thống phân phối xăng dầu:
- Tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn thuê từ 05 năm trở lên, trong đó có ít nhất 05 cửa hàng thuộc sở hữu của doanh nghiệp.
- Tối thiểu 40 thương nhân bán lẻ xăng dầu (thực hiện bán lẻ xăng dầu dưới các hình thức: nhận làm đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc nhận quyền bán lẻ xăng dầu) thuộc hệ thống phân phối của thương nhân, có cửa hàng bán lẻ xăng dầu được cấp giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu còn hiệu lực.
(ii) Có kết nối mạng với Bộ Công Thương về dữ liệu kho chứa xăng dầu, tình hình thực hiện tổng nguồn xăng dầu, xuất - nhập - tiêu thụ xăng dầu, dự trữ xăng dầu và các tiêu chí khác do Bộ Công Thương quy định; hoàn thành trong thời gian 24 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành. Thương nhân đề nghị cấp mới Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải thực hiện ngay quy định này. Thương nhân đã được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện trong thời gian 24 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.
(iii) Là thương nhân phân phối xăng dầu tối thiểu trong 03 liền kề, không bị cơ quan quản lý nhà nước xử lý vi phạm trong đó có hình thức tước Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu.