Kể từ 01/01/2018, thuế nhập khẩu của các dòng xe từ khối ASEAN về thị trường Việt Nam chính thức giảm về 0%, được quy định tại Nghị định 156/2017/NĐ-CP. Cụ thể, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước thuộc khu vực ASEAN về Việt Nam giảm theo lộ trình từ 30% từ năm 2017 xuống 0% vào năm 2018.
>> Doanh nghiệp cần làm gì khi nhận vốn góp
>> Có thể miễn phí, lệ phí khi đăng ký thành lập DN nhỏ và vừa
Việc giảm thuế này mang đến nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường ô tô Việt Nam trong những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, để được nhập khẩu ô tô doanh nghiệp cần phải đáp ứng những điều kiện kinh doanh nhất định. Cụ thể:
Ngày 17/10/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 116/2017/NĐ-CP yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu ôtô phải đáp ứng một số loại giấy tờ để có thể nhập khẩu xe từ 01/01/2018 gồm:
- Bản sao Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài;
- Bản chính Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài cấp cho từng ô tô;
- Tài liệu về kết quả đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài đối với nhà máy sản xuất ra kiểu loại ô tô nhập khẩu còn hiệu lực được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài.
Đồng thời, từng lô xe về cảng đều phải được kiểm tra khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật.
Để cung cấp cho các cơ quan quản lý những giấy tờ theo quy định, doanh nghiệp sẽ chỉ có hơn 02 tháng (kể từ ngày 17/10/2017) để chuẩn bị. Trong đó khó khăn lớn nhất chính là giấy Chứng nhận xuất xưởng, bởi giấy này chỉ cấp cho xe bán nội địa, hoặc nhiều nước không cấp loại giấy tờ này.
Những điều kiện này được cho là khắt khe hơn, đòi hỏi cao hơn trước và gây khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu ô tô.
Vì thế, Nghị định 116/2017/NĐ-CP được coi như "rào cản" mới lập nên đối với xe nhập khẩu từ khối ASEAN.
Nếu như Nghị định 116/2017/NĐ-CP khiến các hãng xe ngoại lo lắng thì đối với các hãng xe nội địa, quy định này đã đem lại hy vọng cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô trong nước.
Nếu không có chính sách nhằm phát triển sản xuất công nghiệp ô tô tại Việt Nam, vào thời điểm năm 2018, khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam xuống 0%, thì nguồn xe nhập khẩu cao sẽ khiến thị trường Việt Nam trở thành nơi tiêu thụ sản phẩm của các nước láng giềng.
Khi đó, hàng loạt doanh nghiệp đang đầu tư vào ngành ô tô và sản xuất linh phụ kiện tại Việt Nam sẽ không có cơ hội phát triển, gây tổn tại cực lớn đối với nền kinh tế.
Do đó, Nghị định 116/2017/NĐ-CP được coi là cơ hội để họ nâng sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp sản xuất ô tô nội địa và thúc đẩy công nghiệp ô tô.
Căn cứ pháp lý:
Hải Hà