PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP tiếp tục trình bày quy định về Chuẩn mực kiểm toán số 530: Lấy mẫu kiểm toán qua bài viết sau đây:
>> Chuẩn mực kiểm toán số 530: Lấy mẫu kiểm toán (Phần 7)
>> Chuẩn mực kiểm toán số 530: Lấy mẫu kiểm toán (Phần 6)
6. Ví dụ về các yếu tố ảnh hưởng đến cỡ mẫu trong kiểm tra chi tiết theo Chuẩn mực kiểm toán 530
Căn cứ theo Phụ lục 03 Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam của Chuẩn mực kiểm toán 530 ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC, hướng dẫn đoạn A11 Chuẩn mực kiểm toán 530:
Kiểm toán viên có thể xem xét các yếu tố dưới đây khi xác định cỡ mẫu trong kiểm tra chi tiết. Các yếu tố này cần được xem xét đồng thời với nhau và giả định rằng kiểm toán viên không thay đổi phương pháp tiến hành các thử nghiệm kiểm soát hay thay đổi nội dung hoặc lịch trình thực hiện các thử nghiệm cơ bản khi xử lý các rủi ro được đánh giá.
Đánh giá của kiểm toán viên về rủi ro có sai sót trọng yếu càng cao thì cỡ mẫu cần thiết càng lớn. Đánh giá của kiểm toán viên về rủi ro có sai sót trọng yếu chịu ảnh hưởng của rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát. Ví dụ, nếu không thực hiện thử nghiệm kiểm soát, kiểm toán viên không thể giảm việc đánh giá rủi ro đối với tính hữu hiệu của các kiểm soát nội bộ liên quan đến cơ sở dẫn liệu cụ thể. Do đó, để giảm rủi ro kiểm toán xuống một mức thấp có thể chấp nhận được, kiểm toán viên cần một mức rủi ro phát hiện thấp và sẽ dựa nhiều hơn vào các thử nghiệm cơ bản. Kiểm toán viên càng thu thập được nhiều bằng chứng kiểm toán từ kiểm tra chi tiết (nghĩa là rủi ro phát hiện càng thấp) thì cỡ mẫu cần thiết càng lớn.
Toàn văn File Word Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán năm 2023 |
Chuẩn mực kiểm toán số 530: Lấy mẫu kiểm toán (Phần 8) (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Kiểm toán viên càng dựa nhiều hơn vào các thử nghiệm cơ bản khác (kiểm tra chi tiết hoặc các thủ tục phân tích cơ bản) để giảm rủi ro phát hiện liên quan đến một tổng thể cụ thể xuống một mức thấp có thể chấp nhận được thì mức độ đảm bảo mà kiểm toán viên đặt ra đối với việc lấy mẫu càng thấp và do đó cỡ mẫu có thể càng nhỏ.
Sai sót có thể bỏ qua càng thấp thì cỡ mẫu cần thiết càng lớn.
Số liệu sai sót mà kiểm toán viên dự kiến sẽ phát hiện trong tổng thể càng lớn thì cỡ mẫu cần thiết càng lớn để có thể đưa ra một ước tính hợp lý về số liệu sai sót thực tế của tổng thể. Các yếu tố liên quan đến việc xem xét của kiểm toán viên về số liệu sai sót dự kiến bao gồm: mức độ chủ quan trong việc xác định các giá trị, kết quả của các thủ tục đánh giá rủi ro, kết quả của thử nghiệm kiểm soát, kết quả của các thủ tục kiểm toán đã áp dụng trong các kỳ trước, và kết quả của các thử nghiệm cơ bản khác.
Việc phân nhóm tổng thể có thể hữu ích khi có khác biệt lớn về giá trị các phần tử trong tổng thể. Khi một tổng thể có thể được phân nhóm thích hợp thì tổng cỡ mẫu của các nhóm sẽ thường nhỏ hơn cỡ mẫu cần thiết để đạt được một mức độ rủi ro lấy mẫu nhất định, nếu so với trường hợp lấy mẫu từ toàn bộ tổng thể.
Đối với các tổng thể lớn, số lượng phần tử thực tế của tổng thể không có ảnh hưởng đáng kể đến cỡ mẫu. Vì thế, đối với các tổng thể nhỏ, lấy mẫu kiểm toán thường không hiệu quả bằng các phương pháp thay thế khác để thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp. (Tuy nhiên, khi lấy mẫu theo đơn vị tiền tệ, nếu giá trị của tổng thể tăng thì cỡ mẫu sẽ tăng, trừ khi việc này được bù trừ bằng một sự tăng lên tương ứng của mức trọng yếu đối với tổng thể báo cáo tài chính (và, nếu phù hợp, mức hoặc các mức trọng yếu đối với các nhóm giao dịch, số dư tài khoản hoặc thông tin thuyết minh cụ thể)).
Căn cứ theo Phụ lục 04 của Chuẩn mực kiểm toán 530 ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC, hướng dẫn đoạn A13 Chuẩn mực kiểm toán 530:
Có nhiều phương pháp chọn mẫu. Dưới đây là các phương pháp cơ bản:
- Lựa chọn ngẫu nhiên (sử dụng một số chương trình chọn số ngẫu nhiên, ví dụ, các bảng số ngẫu nhiên).
- Lựa chọn theo hệ thống, trong đó số lượng đơn vị lấy mẫu trong tổng thể được chia cho cỡ mẫu để xác định khoảng cách lấy mẫu, ví dụ khoảng cách lấy mẫu là 50, sau khi đã xác định điểm xuất phát của phần tử đầu tiên thì cứ cách 50 phần tử sẽ chọn một phần tử vào mẫu. Mặc dù điểm xuất phát có thể được xác định bất kỳ, mẫu thường có nhiều khả năng thực sự ngẫu nhiên nếu nó được xác định bằng cách sử dụng một chương trình chọn số ngẫu nhiên trên máy tính hoặc các bảng số ngẫu nhiên. Khi sử dụng phương pháp chọn mẫu theo hệ thống, kiểm toán viên cần xác định rằng các đơn vị lấy mẫu trong tổng thể không được sắp xếp sao cho khoảng cách lấy mẫu trùng hợp với một kiểu sắp xếp nhất định trong tổng thể.
- Lấy mẫu theo đơn vị tiền tệ là phương pháp lựa chọn thiên về các phần tử có giá trị lớn (như đã mô tả trong Phụ lục 01 của Chuẩn mực kiểm toán 530 ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC) trong đó cỡ mẫu, việc lựa chọn và đánh giá dẫn đến kết luận chủ yếu theo giá trị.
- Lựa chọn bất kỳ, trong đó kiểm toán viên chọn mẫu không theo một trật tự nào nhưng phải tránh bất kỳ sự thiên lệch hoặc định kiến chủ quan nào (ví dụ tránh các phần tử khó tìm hay luôn chọn hoặc tránh các phần tử nằm ở dòng đầu tiên hoặc dòng cuối của trang) và do đó đảm bảo rằng tất cả các phần tử trong tổng thể đều có cơ hội được lựa chọn. Lựa chọn bất kỳ không phải là phương pháp thích hợp khi lấy mẫu thống kê.
- Lựa chọn mẫu theo khối là việc lựa chọn một hay nhiều khối phần tử liên tiếp nhau trong một tổng thể. Lựa chọn mẫu theo khối ít khi được sử dụng trong lấy mẫu kiểm toán vì hầu hết các tổng thể đều được kết cấu sao cho các phần tử trong một chuỗi có thể có chung tính chất với nhau nhưng lại khác với các phần tử khác trong tổng thể. Mặc dù trong một số trường hợp, kiểm tra một khối các phần tử cũng là một thủ tục kiểm toán thích hợp, nhưng phương pháp này thường không được sử dụng để lựa chọn các phần tử của mẫu khi kiểm toán viên dự tính đưa ra kết luận về toàn bộ tổng thể dựa trên mẫu.
Quý khách hàng click >> VÀO ĐÂY để quay lại từ đầu.