Hiện nay, pháp luật quy định về chuẩn mực kiểm toán số 1: Kiểm soát chất lượng DN thực hiện kiểm toán như thế nào? – Ái Linh (Ninh Bình).
>> Hướng dẫn thực hiện chuẩn mực kế toán số 30 - Lãi trên cổ phiếu (Phần 11)
>> Hướng dẫn thực hiện chuẩn mực kế toán số 30 - Lãi trên cổ phiếu (Phần 10)
Căn cứ theo Hệ thống Chuẩn mực kế toán Việt Nam Chuẩn mực kiểm soát chất lượng số 1: Kiểm soát chất lượng doanh nghiệp thực hiện kiểm toán, soát xét báo cáo tài chính, dịch vụ đảm bảo và các dịch vụ liên quan khác (VSQC1) (sau đây gọi tắt là Chuẩn mực kiểm toán số 1) được quy định tại Thông tư 214/2012/TT-BTC. Cụ thể như sau:
- Chuẩn mực kiểm soát chất lượng (VSQC1) này quy định và hướng dẫn trách nhiệm của doanh nghiệp kiểm toán đối với hệ thống kiểm soát chất lượng kiểm toán và soát xét báo cáo tài chính, dịch vụ đảm bảo và các dịch vụ liên quan khác. Khi thực hiện Chuẩn mực này, cần tham khảo chuẩn mực và các quy định về đạo đức nghề nghiệp có liên quan.
- Các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam khác quy định và hướng dẫn bổ sung về trách nhiệm của cán bộ, nhân viên doanh nghiệp kiểm toán về các thủ tục kiểm soát chất lượng đối với các loại dịch vụ cụ thể.
Ví dụ, Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 220 quy định và hướng dẫn về các thủ tục kiểm soát chất lượng đối với các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính.
- Hệ thống kiểm soát chất lượng bao gồm các chính sách được xây dựng nhằm đạt được mục tiêu đề ra tại đoạn 11 của Chuẩn mực kiểm toán số 1 ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC và các thủ tục cần thiết để thực hiện và giám sát việc tuân thủ các chính sách đó.
Chuẩn mực kiểm toán số 1: Kiểm soát chất lượng DN thực hiện kiểm toán |
Chuẩn mực kiểm toán số 1: Kiểm soát chất lượng DN thực hiện kiểm toán
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
(i) Chuẩn mực kiểm toán số 1 được áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp kiểm toán thực hiện kiểm toán và soát xét báo cáo tài chính, dịch vụ đảm bảo và các dịch vụ liên quan khác.
Nội dung, phạm vi của các chính sách và thủ tục mà từng doanh nghiệp kiểm toán xây dựng nhằm tuân thủ Chuẩn mực kiểm toán số 1 sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quy mô, đặc thù hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán, và việc liệu doanh nghiệp kiểm toán đó có thuộc một mạng lưới hay không.
(ii) Chuẩn mực kiểm toán số 1 quy định mục tiêu của doanh nghiệp kiểm toán trong việc tuân thủ chuẩn mực và các quy định được xây dựng để đảm bảo doanh nghiệp kiểm toán đáp ứng được mục tiêu đề ra. Ngoài ra, Chuẩn mực kiểm toán số 1 còn có phần hướng dẫn áp dụng (xem quy định tại đoạn 08 của Chuẩn mực kiểm toán số 1 ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC), phần giới thiệu phù hợp với hoàn cảnh cụ thể để giúp hiểu đúng về chuẩn mực và phần giải thích thuật ngữ.
(iii) Mục tiêu xây dựng các quy định của Chuẩn mực kiểm toán số 1 là để giúp doanh nghiệp kiểm toán:
- Hiểu rõ các công việc cần thực hiện;
- Quyết định liệu có cần thực hiện thêm các công việc khác nhằm đạt được mục tiêu hay không.
(iv) Phần quy định chung đưa ra các quy định bắt buộc phải tuân thủ.
(v) Khi cần thiết, phần hướng dẫn áp dụng giải thích rõ hơn về các quy định và hướng dẫn để thực hiện các quy định đó, cụ thể là:
- Giải thích chi tiết hơn về ý nghĩa hoặc phạm vi của các quy định.
- Đưa ra ví dụ về các chính sách và thủ tục cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể.
(vi) Hướng dẫn áp dụng đưa ra cách thức áp dụng các quy định một cách phù hợp. Hướng dẫn áp dụng có thể cung cấp thông tin cần thiết để giúp cho việc hiểu các quy định của chuẩn mực. Khi cần thiết, hướng dẫn áp dụng cũng đưa ra các lưu ý đối với doanh nghiệp kiểm toán thực hiện kiểm toán trong lĩnh vực công và doanh nghiệp kiểm toán nhỏ.
Các lưu ý này giúp áp dụng các quy định của Chuẩn mực kiểm toán số 1, tuy nhiên không giới hạn hoặc giảm bớt trách nhiệm của doanh nghiệp kiểm toán trong việc áp dụng và tuân thủ các quy định của Chuẩn mực kiểm toán số 1.
Quý khách hàng xem tiếp tục >> Chuẩn mực kiểm toán số 1: Kiểm soát chất lượng DN thực hiện kiểm toán (Phần 2).