Ngày 26/12/2024 Chính phủ ban hành Nghị định 166/2024/NĐ-CP, quy định 05 trường hợp giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định không có hiệu lực
>> Từ 01/01/2025, phạt đến 26 triệu đồng với hành vi che biển số xe ô tô
Căn cứ khoản 4 Điều 13 Nghị định 166/2024/NĐ-CP, giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định không có hiệu lực khi:
(i) Phương tiện không được kiểm định theo đúng trình tự, thủ tục trong hoạt động kiểm định.
(ii) Hồ sơ kiểm định được lập và xác nhận không đúng quy định về kiểm định.
(iii) Được kiểm định bởi người không có chuyên môn và thẩm quyền.
(iv) Được kiểm định bởi phương tiện đo không bảo đảm độ chính xác.
(v) Cấp cho phương tiện đang bị cảnh báo.
Căn cứ khoản 1 Điều 12 Nghị định 166/2024/NĐ-CP, các trường hợp cảnh báo phương tiện bao gồm:
- Vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
- Theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng.
- Có bằng chứng về việc chủ xe làm giả tài liệu của phương tiện.
- Có sự sai khác giữa chứng nhận đăng ký xe với phương tiện thực tế khi làm thủ tục kiểm định.
- Chưa thực hiện cấp đổi chứng nhận đăng ký xe ở lần kiểm định tiếp theo sau khi phương tiện đã được cấp chứng nhận cải tạo.
- Giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định bị mất hoặc thông báo thu hồi.
Trên đây là 05 trường hợp giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định định không có hiệu lực.
Mẫu tờ khai thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe 2025 |
05 trường hợp giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định không có hiệu lực
(Ảnh minh họa - Nguồn Internet)
Căn cứ khoản 5 Điều 13 Nghị định 166/2024/NĐ-CP, giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định hết hiệu lực khi:
(i) Phương tiện bị hư hại dẫn đến không bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
(ii) Đã có cảnh báo về việc giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định bị mất hoặc thu hồi trên phần mềm quản lý kiểm định của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
(iii) Giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định đã được thay thế bởi giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định khác.
(iv) Phương tiện có kết quả kiểm định không đạt, phải sửa chữa các hư hỏng để kiểm định lại khi có khiếm khuyết, hư hỏng quan trọng (MAJOR DEFECTS - MaD).
(v) Phương tiện có kết quả kiểm định không đạt, không được tham gia giao thông và phải sửa chữa các hư hỏng để kiểm định lại khi có khiếm khuyết, hư hỏng nguy hiểm (DANGEROUS DEFECTS - DD).
Căn cứ khoản 6 Điều 17 Thông tư 47/2024/TT-BGTVT, quy định tem kiểm định được dán trên xe như sau:
(i) Đối với các loại xe (gồm các loại ô tô, xe chở người bốn bánh, xe chở hàng bốn bánh và một số loại xe máy chuyên dùng) có khoang điều khiển (ca bin) và trang bị kính chắn gió phía trước: vị trí dán tem kiểm định tại góc phía trên, bên phải (theo chiều tiến của xe), ở mặt trong của kính chắn gió phía trước; mặt trước của tem hướng ra ngoài.
(ii) Đối với rơ moóc, sơ mi rơ moóc và các loại xe máy chuyên dùng không thuộc khoản (i) thì thực hiện: trang bị lớp bảo vệ tem kiểm định trong quá trình sử dụng, mặt trước phải được bảo vệ bằng vật liệu trong suốt để quan sát được nội dung, dán (hoặc gắn) lên xe tại các vị trí dễ quan sát, hạn chế được các tác động từ bên ngoài ảnh hưởng tới độ bền của tem kiểm định trong quá trình xe di chuyển, mặt trước của tem kiểm định hướng ra ngoài.
(iii) Tem kiểm định được nhân viên của cơ sở đăng kiểm dán trong trường hợp xe được kiểm định tại cơ sở đăng kiểm.
Chủ xe tự dán trong trường hợp xe thuộc đối tượng được miễn kiểm định lần đầu hoặc được kiểm định ngoài cơ sở đăng kiểm hoặc được cấp lại.