Việc xác định thời gian tối đa được nghỉ dưỡng sức sau ốm đau được căn cứ vào đâu?
Điều kiện hưởng chế độ dưỡng sức sau ốm đau là gì?
Tại khoản 1 Điều 29 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:
Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau
1. Người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm theo quy định tại Điều 26 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày trong một năm.
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.
...
Như vậy, để được hưởng chế độ dưỡng sức sau ốm đau, người lao động cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau và thời gian nghỉ đã đủ thời gian trong 1 năm
- Đang trong thời gian 30 ngày trở lại làm việc đầu tiên sau khi nghỉ chế độ ốm đau.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 7 Thông tư 59/2015/BLĐTBXH, được bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH cũng nêu rõ:
- Người lao động đã hưởng chế độ ốm đau từ đủ 30 ngày trở lên trong năm. Áp dụng với cả người lao động đang mắc các bệnh cần chữa trị dài ngày theo quy định của Bộ Y Tế. Những người lao động thuộc trường hợp này cũng sẽ được hưởng chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau trong thời gian 30 ngày đầu tiên làm việc trở lại nếu sức khỏe chưa phục hồi.
- Những người lao động không nghỉ việc thì không được hưởng chế độ này.
Việc xác định thời gian tối đa được hưởng chế độ dưỡng sức sau ốm đau được căn cứ vào đâu? (Hình từ Internet)
Người lao động được nghỉ dưỡng sức sau ốm đau bao nhiêu ngày?
Tại khoản 2 Điều 29 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:
Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau
...
2. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa có công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định như sau:
a) Tối đa 10 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày;
b) Tối đa 07 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do phải phẫu thuật;
c) Bằng 05 ngày đối với các trường hợp khác.
...
Theo quy định trên thì thời gian nghỉ dưỡng sức sau ốm đau của người lao động được tính như sau:
- Tối đa 10 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày.
- Tối đa 07 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do phải phẫu thuật.
- Bằng 05 ngày đối với các trường hợp khác.
Việc xác định thời gian tối đa được nghỉ dưỡng sức sau ốm đau được căn cứ vào đâu?
Tại khoản 1a Điều 7 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, được bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH có quy định như sau:
Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau
1. Người lao động đã hưởng chế độ ốm đau từ đủ 30 ngày trở lên trong năm, kể cả người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe theo quy định tại Điều 29 của Luật bảo hiểm xã hội.
Ví dụ 11: Ông Ph đang tham gia bảo hiểm xã hội theo chức danh nghề nặng nhọc, tính đến hết tháng 7/2016 đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau (bệnh không thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày) được 35 ngày, sau khi đi làm trở lại được một tuần thấy sức khỏe còn yếu, ông Ph được công ty quyết định cho nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 05 ngày. Tháng 9/2016, ông Ph bị ốm đau phải phẫu thuật, nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau 07 ngày thì quay trở lại làm việc nhưng sức khỏe chưa phục hồi.
...
1a. Thời gian được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tối đa trong một năm được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 29 của Luật Bảo hiểm xã hội. Việc xác định thời gian tối đa được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong một năm được căn cứ theo lần nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau cuối cùng trước khi nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe (ốm đau thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày hoặc ốm đau do phải phẫu thuật hoặc ốm đau khác).
...
Theo quy định trên thì việc xác định thời gian tối đa được hưởng chế độ dưỡng sức sau ốm đau trong một năm được căn cứ theo lần nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau cuối cùng trước khi nghỉ dưỡng sức (ốm đau thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày hoặc ốm đau do phải phẫu thuật hoặc ốm đau khác).
- Từ 7/2/2025, thực hiện cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang, các bộ, cơ quan trung ương khi phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc phải tiết kiệm bao nhiêu phần trăm số chi thường xuyên?
- Công chức biệt phái, luân chuyển được hưởng chế độ chính sách ra sao?
- Thời gian được hưởng phụ cấp đặc thù quốc phòng quân sự của Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã tính từ ngày nào?
- Gửi Bộ Nội vụ kế hoạch biên chế công chức hằng năm chậm nhất ngày 15/6 đúng không?
- Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi thành lập cho đến nay đã đổi tên mấy lần? Những điều CBCCVC là đảng viên không được làm là gì?