Từ 1/7/2025, có phải mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng sẽ được điều chỉnh mỗi 03 năm một lần không?
Có phải mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng sẽ được điều chỉnh mỗi 03 năm một lần không?
Căn cứ theo Điều 22 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định:
Các chế độ, trình tự, thủ tục thực hiện trợ cấp hưu trí xã hội
1. Mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ. Định kỳ 03 năm, Chính phủ thực hiện rà soát, xem xét việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội.
Tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, huy động các nguồn lực xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
2. Trường hợp đối tượng quy định tại Điều 21 của Luật này đồng thời thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng thì được hưởng chế độ trợ cấp cao hơn.
...
Dựa theo quy định trên, mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng sẽ được Chính phủ thực hiện rà soát, xem xét việc điều chỉnh theo định kỳ 03 năm một lần. Việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng phải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.
Như vậy, mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng sẽ được Chính phủ rà soát và xem xét điều chỉnh định kỳ 3 năm một lần. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mức trợ cấp sẽ tự động được điều chỉnh sau mỗi 3 năm. Nếu mức trợ cấp đã phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước, có thể sẽ không có sự điều chỉnh nào diễn ra.
Do đó, không phải mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng sẽ tự động được điều chỉnh mỗi 3 năm một lần, mà sẽ được Chính phủ rà soát và xem xét điều chỉnh định kỳ sau mỗi 3 năm.
Từ 1/7/2025, có phải mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng sẽ được điều chỉnh mỗi 03 năm một lần không?
Đối tượng nào được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng?
Căn cứ theo Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định:
Đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội
1. Công dân Việt Nam được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Từ đủ 75 tuổi trở lên;
b) Không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ;
c) Có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
2. Công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đáp ứng đủ điều kiện quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội trên cơ sở đề nghị của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.
Như vậy, đối tượng được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng bao gồm:
- Công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên, đang không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp BHXH hằng tháng và có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
- Công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đang không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp BHXH hằng tháng và có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Ngoài ra, độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần dựa trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, tuy nhiên phải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.
Người thụ hưởng BHXH có các quyền gì?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 10 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, người thụ hưởng BHXH có các quyền sau đây:
- Nhận các chế độ BHXH đầy đủ, kịp thời, thuận tiện;
- Hưởng bảo hiểm y tế trong trường hợp đang hưởng lương hưu; nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng; trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng; trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động bị mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành; đang hưởng chế độ quy định tại Điều 23 Luật Bảo hiểm xã hội 2024;
- Được thanh toán phí giám định y khoa đối với trường hợp không do người sử dụng lao động giới thiệu đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động mà kết quả giám định y khoa đủ điều kiện để hưởng chế độ BHXH theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2024;
- Ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện BHXH. Trường hợp ủy quyền nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và chế độ khác theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 thì văn bản ủy quyền có hiệu lực tối đa là 12 tháng kể từ ngày xác lập việc ủy quyền. Văn bản ủy quyền phải được chứng thực theo quy định của pháp luật về chứng thực;
- Đối với người từ đủ 80 tuổi trở lên nếu có nhu cầu thì được cơ quan BHXH hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền thực hiện việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tại nơi cư trú trên lãnh thổ Việt Nam;
- Được cơ quan BHXH định kỳ hằng tháng cung cấp thông tin về việc hưởng chế độ BHXH thông qua phương tiện điện tử; được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận thông tin về hưởng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu;
- Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về BHXH theo quy định của pháp luật;
-Từ chối hưởng chế độ BHXH.
Lưu ý: Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.
- Từ 7/2/2025, thực hiện cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang, các bộ, cơ quan trung ương khi phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc phải tiết kiệm bao nhiêu phần trăm số chi thường xuyên?
- Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi thành lập cho đến nay đã đổi tên mấy lần? Những điều CBCCVC là đảng viên không được làm là gì?
- Chính thức từ ngày 7/2/2025, cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang trong năm 2025 được thu từ những nguồn nào của địa phương?
- Mẫu giấy xác nhận công tác dùng để làm gì? Tải mẫu ở đâu?
- Những loại hợp đồng lao động nào được pháp luật Việt Nam công nhận?