Trường hợp nào được hưởng chế độ thai sản ngay từ khi mới đóng bảo hiểm xã hội?
Trường hợp nào được hưởng chế độ thai sản ngay từ khi mới đóng bảo hiểm xã hội?
Hiện tại, một số quyền lợi thuộc chế độ thai sản chỉ đặt ra điều kiện là đang đóng bảo hiểm. Do đó, dù mới bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng những trường hợp sau đây vẫn sẽ được thanh toán tiền thai sản:
(1) Người lao động đi khám thai
Theo quy định tại Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ được nghỉ làm để đi khám thai hưởng chế độ thai sản 05 lần với 01 ngày/lần. Trường hợp ở xa nơi khám, chữa bệnh hoặc mang thai bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày/lần.
(2) Người lao động bị sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý
Theo quy định tại Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, tùy vào tuổi thai mà người lao động sẽ được nghỉ hưởng chế độ thai sản như sau:
- Nghỉ 10 ngày nếu thai nhi dưới 05 tuần tuổi.
- Nghỉ 20 ngày nếu thai nhi từ 05 - 13 tuần tuổi.
- Nghỉ 40 ngày nếu thai nhi từ 13 - 25 tuần tuổi.
- Nghỉ 50 ngày nếu thai nhi từ 25 tuần tuổi trở lên.
(3) Người lao động thực hiện biện pháp tránh thai
Theo quy định tại Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động sẽ được hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh với thời gian tối đa như sau:
- Lao động nữ đặt vòng tránh thai: Nghỉ 07 ngày.
- Người lao động thực hiện biện pháp triệt sản: Nghỉ 15 ngày.
Trường hợp nào được hưởng chế độ thai sản ngay từ khi mới đóng bảo hiểm xã hội? (Hình từ Internet)
Hồ sơ hưởng chế độ thai sản bao gồm những giấy tờ gì?
Tại khoản 1 Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:
Hồ sơ hưởng chế độ thai sản
1. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con bao gồm:
a) Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;
b) Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết;
c) Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con;
d) Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh;
đ) Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 31 của Luật này.
2. Trường hợp lao động nữ đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý, người lao động thực hiện biện pháp tránh thai theo quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật này phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với trường hợp điều trị ngoại trú, bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với trường hợp điều trị nội trú.
3. Trường hợp người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi phải có giấy chứng nhận nuôi con nuôi.
4. Trường hợp lao động nam nghỉ việc khi vợ sinh con phải có bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh của con và giấy xác nhận của cơ sở y tế đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi.
5. Danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản do người sử dụng lao động lập.
Như vậy, hồ sơ hưởng chế độ thai sản bao gồm những giấy tờ nêu trên.
Người lao động được trợ cấp tiền thai sản có phải đóng thuế thu nhập cá nhân?
Tại điểm b khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC có quy định như sau:
Các khoản thu nhập chịu thuế
Theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân và Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân bao gồm:
...
2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công
Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:
a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.
b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp sau:
b.1) Trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng và trợ cấp một lần theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công.
b.2) Trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần đối với các đối tượng tham gia kháng chiến, bảo vệ tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ.
b.3) Phụ cấp quốc phòng, an ninh; các khoản trợ cấp đối với lực lượng vũ trang.
b.4) Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm.
b.5) Phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực.
b.6) Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, mức hưởng chế độ thai sản, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội
...
Như vậy, tiền trợ cấp thai sản không tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân nếu mức chi phù hợp với hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Trường hợp mức chi cao hơn mức hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì phần chi vượt mức phải tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân của người lao động.
- Nghị quyết 24: Chính thức thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 đối với cán bộ công chức viên chức thì các khoản chi ngoài lương kèm theo NQ có áp dụng không?
- Độ tuổi lao động năm 2025 của người lao động theo Bộ luật Lao động mới nhất là bao nhiêu tuổi?
- Cơ quan xét xử cao nhất của nước ta là gì?
- Từ 1/7/2025 công chứng viên được phân công hướng dẫn tập sự phải có bao nhiêu năm kinh nghiệm hành nghề công chứng?
- Người lao động đã thành lập tổ chức nào để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình?