Thủ tục xin lại giấy ra viện hưởng chế độ ốm đau như thế nào?
Mất giấy ra viện thì có được hưởng chế độ ốm đau hay không?
Tại Điều 100 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:
Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau
1. Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với người lao động hoặc con của người lao động điều trị nội trú. Trường hợp người lao động hoặc con của người lao động điều trị ngoại trú phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.
2. Trường hợp người lao động hoặc con của người lao động khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài thì hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này được thay bằng bản dịch tiếng Việt của giấy khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài cấp.
3. Danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau do người sử dụng lao động lập.
4. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định mẫu, trình tự, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, giấy ra viện và các mẫu giấy quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều 101 của Luật này.
Như vậy, căn cứ quy định trên, khi làm hồ sơ hưởng chế độ ốm đau thì phải có giấy ra viện hoặc giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội trong trường hợp điều trị ngoại trú. Do đó, nếu người lao động điều trị nội trú mà không có giấy ra viện thì sẽ không được hưởng chế độ ốm đau.
Thủ tục xin lại giấy ra viện hưởng chế độ ốm đau như thế nào? (Hình từ Internet)
Có thể xin lại giấy ra viện khi bị mất không?
Tại khoản 5 Điều 26 Thông tư 56/2017/TT-BYT có quy định như sau:
Trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
...
3. Cập nhật dữ liệu khám bệnh, chữa bệnh vào cơ sở dữ liệu khám chữa bệnh quốc gia để liên thông với hệ thống dữ liệu của cơ quan bảo hiểm xã hội. Tạo lập chứng từ điện tử về khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định tại Nghị định số 166/2016/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và lộ trình do Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác của chứng từ.
4. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi chuyển người bệnh đi có trách nhiệm cung cấp bản sao có đóng dấu treo giấy chuyển viện cho người bệnh khi có yêu cầu.
5. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi đã cấp giấy ra viện, giấy chứng sinh, giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai, giấy chứng nhận không đủ sức khỏe để chăm sóc con sau khi sinh, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội có trách nhiệm:
a) Cấp lại giấy ra viện, giấy chứng sinh, giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai, giấy chứng nhận không đủ sức khỏe để chăm sóc con sau khi sinh, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội trong các trường hợp sau đây:
- Bị mất, bị hỏng;
- Người ký các giấy chứng nhận không đúng thẩm quyền;
- Việc đóng dấu trên các giấy chứng nhận không đúng quy định;
- Có sai sót về thông tin được ghi trên giấy ra viện, giấy chứng sinh, giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai, giấy chứng nhận không đủ sức khỏe để chăm sóc con sau khi sinh, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.
Trường hợp cấp lại phải đóng dấu “Cấp lại” trên giấy ra viện, giấy chứng sinh, giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai, giấy chứng nhận không đủ sức khỏe để chăm sóc con sau khi sinh, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.
...
Như vậy, theo quy định trên, trường hợp người lao động bị mất giấy ra viện bạn vẫn có thể xin cấp lại để được giải quyết chế độ ốm đau.
Thủ tục xin lại giấy ra viện hưởng chế độ ốm đau như thế nào?
Hiện nay, Thông tư 56/2017/TT-BYT chỉ quy định về thẩm quyền cấp lại giấy ra viện chứ không hướng dẫn thống nhất về thủ tục này.
Trên thực tế, mỗi cơ sở khám, chữa bệnh lại có những quy định riêng về thủ tục xin lại giấy ra viện. Nội dung hướng dẫn thủ tục này sẽ được niêm yết công khai hoặc do nhân viên bệnh viện hướng dẫn chi tiết đến người bệnh.
Tuy vậy, quy trình cấp lại giấy ra viện ở các cơ sở khám, chữa bệnh cũng có những điểm chung nhất định. Để xin lại giấy ra viện, người lao động có thể tham khảo các bước sau đây:
Bước 1: Người bệnh nộp hồ sơ yêu cầu cấp lại giấy ra viện cho bộ phận tiếp dân của Phòng Kế hoạch tổng hợp tại cơ sở khám, chữa bệnh. Hồ sơ cần chuẩn bị:
- Đơn xin cấp lại giấy ra viện (theo mẫu sẵn của cơ sở khám, chữa bệnh hoặc tự chuẩn bị).
- Xuất trình giấy tờ tùy thân có ảnh: Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, giấy phép lái xe,…
- Bản photo giấy ra viện đã cấp (nếu có).
Bước 2: Người bệnh nộp lệ phí cấp lại giấy ra viện.
Tùy cơ sở khám, chữa bệnh mà mức phí áp dụng sẽ khác nhau. Phí cấp lại giấy ra viện thường dao động từ 50.000 - 100.000 đồng/bản.
Bước 3: Nhận giấy hẹn cấp lại giấy ra viện.
Thời gian hẹn cấp lại giấy ra viện là khoảng 02 - 03 ngày kể từ ngày cơ sở khám, chữa bệnh tiếp nhận đủ giấy tờ hợp lệ.
Bước 4: Đến nhận giấy ra viện cấp lại.
Sau khi có được giấy ra viện đúng thông tin, người lao động cần nộp lại cho doanh nghiệp để nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ hưởng chế độ BHXH.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Lương hưu 2025 chính thức: 03 mức tăng lương hưu theo Nghị định 75 vẫn tiếp tục được áp dụng, cụ thể ra sao?
- Chỉ thị 14: Thực hiện cải cách tiền lương của cán bộ công chức viên chức như thế nào?
- Chốt lương hưu tháng 1 năm 2025: chi tiết lịch chi trả và mức hưởng tính như thế nào?
- Chính thức nâng mức lương hưu sau đợt tăng mới nhất gồm 15%, tăng thêm cho người nghỉ hưu nếu Chính phủ đề xuất tuy nhiên phải phù hợp với điều kiện gì?