Thời gian nghỉ giữa giờ của người lao động làm việc theo ca có được tính vào giờ làm việc?
Thời gian nghỉ giữa giờ của người lao động làm việc theo ca có được tính vào giờ làm việc?
Tại khoản 1 Điều 109 Bộ luật Lao động 2019 có quy định:
Nghỉ trong giờ làm việc
1. Người lao động làm việc theo thời giờ làm việc quy định tại Điều 105 của Bộ luật này từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.
Trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc.
2. Ngoài thời gian nghỉ quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động bố trí cho người lao động các đợt nghỉ giải lao và ghi vào nội quy lao động.
Đồng thời, tại khoản 3 Điều 63 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định:
Ca làm việc và tổ chức làm việc theo ca
1. Ca làm việc là khoảng thời gian làm việc của người lao động từ khi bắt đầu nhận nhiệm vụ cho đến khi kết thúc và bàn giao nhiệm vụ cho người khác, bao gồm cả thời gian làm việc và thời gian nghỉ giữa giờ.
2. Tổ chức làm việc theo ca là việc bố trí ít nhất 02 người hoặc 02 nhóm người thay phiên nhau làm việc trên cùng một vị trí làm việc, tính trong thời gian 01 ngày (24 giờ liên tục).
3. Trường hợp làm việc theo ca liên tục để được tính nghỉ giữa giờ vào giờ làm việc quy định tại khoản 1 Điều 109 của Bộ luật Lao động là trường hợp tổ chức làm việc theo ca quy định tại khoản 2 Điều này khi ca làm việc đó có đủ các điều kiện sau:
a) Người lao động làm việc trong ca từ 06 giờ trở lên;
b) Thời gian chuyển tiếp giữa hai ca làm việc liền kề không quá 45 phút.
Như vậy, người lao động làm việc theo ca thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Người lao động làm việc trong ca từ 06 giờ trở lên;
- Thời gian chuyển tiếp giữa hai ca làm việc liền kề không quá 45 phút.
Thời gian nghỉ giữa giờ của người lao động làm việc theo ca có được tính vào giờ làm việc? (Hình từ Internet)
Thời gian nghỉ giữa giờ của người lao động thay đổi so với các quy định trước đây?
Theo quy định tại Điều 109 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm việc từ 06 giờ trở lên trong 01 ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.
Mặt khác, tại Điều 108 Bộ luật Lao động 2012 (có hiệu lực từ 01/05/2013 hết hiệu lực ngày 01/01/2021) quy định về trường hợp nghỉ trong giờ làm việc của người lao động như sau:
Nghỉ trong giờ làm việc
1. Người lao động làm việc liên tục 08 giờ hoặc 06 giờ theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật này được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút, tính vào thời giờ làm việc.
2. Trường hợp làm việc ban đêm, thì người lao động được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút, tính vào thời giờ làm việc.
3. Ngoài thời gian nghỉ giữa giờ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người sử dụng lao động quy định thời điểm các đợt nghỉ ngắn và ghi vào nội quy lao động.
Và theo quy định tại Điều 71 Bộ luật Lao động 1994 (có hiệu lực từ 01/01/1995 đến 01/05/2013) quy định như sau:
Điều 71.
1- Người lao động làm việc 8 giờ liên tục thì được nghỉ ít nhất nửa giờ, tính vào giờ làm việc.
2- Người làm ca đêm được nghỉ giữa ca ít nhất 45 phút, tính vào giờ làm việc.
3- Người lao động làm việc theo ca được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca khác.
Như vậy, theo Bộ luật Lao động 2012 và Bộ luật Lao động 1994 quy định khi làm việc liên tục thì người lao động mới được nghỉ giữa giờ và được tính vào thời giờ làm việc. Còn làm ca gãy thì không được nghỉ giữa giờ.
Theo quy định của Bộ luật Lao động 2019 đã bảo vệ quyền lợi của người lao động tốt hơn chỉ cần làm việc hơn 6 tiếng/ngày bất kể là liên tục hay ca gãy thì đều được nghỉ giữa giờ. Tuy nhiên, chỉ có làm liên tục thì mới được tính vào thời giờ làm việc, còn làm ca gãy thì không được tính.
Không đảm bảo về thời giờ nghỉ ngơi của người lao động sẽ bị xử phạt thế nào?
Tại khoản 4 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP có quy định:
Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
…
4. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: không đảm bảo cho người lao động nghỉ trong giờ làm việc hoặc nghỉ chuyển ca theo quy định của pháp luật; huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Theo đó, nếu người sử dụng lao động vi phạm về thời gian nghỉ giữa giờ của người lao động sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền lên đến 75.000.000 tùy theo số lượng người vi phạm.
Lưu ý: Căn cứ khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
- Chính thức lịch chi trả lương hưu tháng 12 2024 chi tiết? Có sự điều chỉnh lịch chi trả lương hưu tháng 12 như thế nào?
- Lễ Tạ Ơn 2024 là ngày mấy? Lễ Tạ Ơn có những hoạt động gì? Ở Việt Nam, người lao động có được nghỉ làm vào ngày Lễ Tạ Ơn không?
- Cyber Monday là gì? Cyber Monday 2024 diễn ra vào ngày nào? Năm 2024, người lao động còn những ngày nghỉ lễ nào?
- Thứ 5 cuối cùng của tháng 11 có sự kiện đặc biệt gì? Tháng 11 người lao động được nghỉ tối đa bao nhiêu ngày?
- Đã có thông báo về mức lương cơ sở mới của của đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước tác động kinh tế vĩ mô thế nào?