Thẻ BHYT hết hạn trong thời gian nằm viện thì người lao động có phải tự chi trả không?
BHYT hết hạn trong thời gian nằm viện thì người lao động có phải tự chi trả không?
Căn cứ khoản 9 Điều 27 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định:
Thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh một số trường hợp
...
9. Trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế đang điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng thẻ bảo hiểm y tế hết hạn sử dụng thì được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng cho đến khi ra viện nhưng tối đa không vượt quá 15 ngày kể từ ngày thẻ bảo hiểm y tế hết hạn sử dụng. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm thông báo cho người bệnh và cơ quan bảo hiểm xã hội nơi ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để người bệnh tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế, cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện việc cấp hoặc gia hạn thẻ bảo hiểm y tế cho người bệnh trong thời gian đang điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
...
Chiếu theo quy định trên, trường hợp người lao động có thẻ BHYT hết thời hạn sử dụng trong thời gian nằm viện thì vẫn được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng cho đến khi ra viện, tuy nhiên, không được vượt quá 15 ngày kể từ ngày thẻ BHYT hết hạn sử dụng. Nếu còn trong thời gian điều trị, người lao động cần làm thủ tục gia hạn thẻ BHYT.
Như vậy, người lao động không cần phải tự chi trả nếu rơi vào trường hợp BHYT hết hạn trong thời gian nằm viện nhưng không vượt quá 15 ngày.
Trong trường hợp người lao động đang trong thời gian điều trị, người lao động cần phải làm thủ tục gia hạn thẻ BHYT theo hướng dẫn của cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan BHXH để tiếp tục được hưởng những lợi ích từ BHYT.
Thẻ BHYT hết hạn trong thời gian nằm viện thì người lao động có phải tự chi trả không?
Có thể dùng thẻ BHYT tích hợp trên VssID, VNeID để khám, chữa bệnh không?
Theo Công văn 7133/BYT-BH năm 2023, Bộ Y tế có hướng dẫn về việc sử dụng thẻ BHYT tích hợp trên VssID, VNeID khi đi khám bệnh, chữa bệnh như sau:
- Trường hợp thẻ BHYT được tích hợp trên ứng dụng VNeID:
Tài khoản của người dân đã được định danh điện tử mức độ 2 thì được sử dụng thẻ BHYT tích hợp trên ứng dụng VNeID để đi khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo quy định tại Nghị định 59/2022/NĐ-CP được thay thế bởi Nghị định 69/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.
- Trường hợp thẻ BHYT được tích hợp trên ứng dụng VssID:
Trường hợp sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 theo quy định tại Nghị định 59/2022/NĐ-CP được thay thế bởi Nghị định 69/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 để đăng nhập thì có thể được sử dụng thẻ BHYT tích hợp trên VssID để khám, chữa bệnh BHYT.
Bên cạnh đó, tại Công văn 1493/BHXH-CSYT năm 2021 cũng có hướng dẫn như sau:
- Từ 01/6/2021, người bệnh BHYT đến khám, chữa bệnh được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay thế cho việc sử dụng thẻ BHYT giấy.
- Cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng đầu đọc để quét mã QR-Code hoặc ghi trực tiếp số thẻ BHYT trên ứng dụng VssID (trường hợp cơ sở không có đầu đọc).
- Cơ sở khám, chữa bệnh có các giải pháp chống lạm dụng trục lợi quỹ khám chữa bệnh BHYT; tiếp nhận các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, kịp thời báo cáo cơ quan BHXH để phối hợp giải quyết.
Như vậy, người lao động có thể sử dụng thẻ BHYT tích hợp trên VssID và VNeID để khám bệnh, chữa bệnh.
Trên thẻ BHYT bao gồm những thông tin gì?
Căn cứ theo Điều 12 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định, thẻ BHYT do cơ quan bảo hiểm xã hội phát hành, phản ánh được các thông tin sau:
- Thông tin cá nhân của người tham gia bảo hiểm y tế, bao gồm: Họ và tên; giới tính; ngày tháng năm sinh; địa chỉ nơi cư trú hoặc nơi làm việc.
- Mức hưởng bảo hiểm y tế theo quy định.
- Thời điểm thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng.
- Nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu.
- Thời gian tham gia bảo hiểm y tế 05 năm liên tục trở lên đối với đối tượng phải cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Thời gian tham gia bảo hiểm y tế liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ bảo hiểm y tế lần sau nối tiếp lần trước; trường hợp gián đoạn tối đa không quá 03 tháng.
Người được cơ quan có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, làm việc hoặc theo chế độ phu nhân, phu quân hoặc con đẻ, con nuôi hợp pháp dưới 18 tuổi đi theo bố hoặc mẹ công tác nhiệm kỳ tại cơ quan Việt Nam ở nước ngoài thì thời gian ở nước ngoài được tính là thời gian tham gia bảo hiểm y tế.
Người lao động khi đi lao động ở nước ngoài thì thời gian đã tham gia bảo hiểm y tế trước khi đi lao động ở nước ngoài được tính là thời gian đã tham gia bảo hiểm y tế nếu tham gia bảo hiểm y tế khi về nước trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
Người lao động trong thời gian làm thủ tục chờ hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp theo quy định Luật Việc làm 2013 thì thời gian đã tham gia bảo hiểm y tế trước đó được tính là thời gian đã tham gia bảo hiểm y tế.
Đối tượng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 khi nghỉ hưu, xuất ngũ, chuyển ngành hoặc thôi việc, nếu thời gian học tập, công tác trong quân đội nhân dân, công an nhân dân và tổ chức cơ yếu chưa tham gia bảo hiểm y tế thì thời gian đó được tính là thời gian tham gia bảo hiểm y tế liên tục.
- Ảnh của người tham bảo hiểm y tế (trừ trẻ em dưới 6 tuổi) đối với trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế không có giấy tờ xác nhận nhân thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc Giấy xác nhận của Công an cấp xã hoặc giấy tờ khác có xác nhận của cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nơi quản lý học sinh, sinh viên, hoặc giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Ngày 4 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày này không?
- 3 12 là ngày gì trong tình yêu? Ngày này là ngày nghỉ làm của người lao động đúng không?
- 4 12 ngày Quốc tế Ôm tự do đúng không? Đây có phải ngày nghỉ lễ của Việt Nam hay không?
- Chi tiết lương hưu tháng 12 năm 2024 thực nhận trên mức tăng 15% là bao nhiêu?