Tại công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, người kiêm nhiệm nhiệm vụ kế toán, chức danh kế toán trưởng và thủ quỹ có được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm không?
- Tại công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, người kiêm nhiệm nhiệm vụ kế toán, chức danh kế toán trưởng và thủ quỹ có được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm không?
- Công đoàn cấp trên có trách nhiệm gì trong việc thành lập công đoàn cơ sở?
- Yêu cầu về kinh nghiệm đối với cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở là gì?
Tại công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, người kiêm nhiệm nhiệm vụ kế toán, chức danh kế toán trưởng và thủ quỹ có được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm không?
Ngày 18/5/2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Quyết định 7201/QĐ-TLĐ năm 2023 để sửa đổi Quyết định 4290/QĐ-TLĐ năm 2022 liên quan đến việc thu, chi và quản lý tài chính của công đoàn cơ sở và Quyết định 4301/QĐ-TLĐ năm 2022 về cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý tài chính công đoàn.
Theo đó, tại Chương 4 Quyết định 4301/QĐ-TLĐ năm 2022 được bổ sung bởi điểm 2.4 khoản 2 Điều 1 Quyết định 7201/QĐ-TLĐ năm 2023, cụ thể như sau:
Chế độ phụ cấp kiêm nhiệm nhiệm vụ kế toán, chức danh kế toán trưởng và thủ quỹ của công đoàn cấp trên cơ sở.
1. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở không có cán bộ chuyên trách hoặc đơn vị sự nghiệp công đoàn không có người đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Tổng Liên đoàn để bố trí làm nhiệm vụ kế toán trưởng, thì liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương bố trí 01 chuyên viên tài chính công đoàn ở cấp mình hoặc cán bộ công đoàn chuyên trách là kế toán trưởng công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trực thuộc để giao thêm nhiệm vụ kế toán trưởng ở đơn vị không có người đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, nhưng một người được giao thêm nhiệm vụ kế toán trưởng tối đa không quá 03 đơn vị. Các đơn vị này có trách nhiệm chi phụ cấp trách nhiệm cho kế toán trưởng kiêm nhiệm hằng tháng, hệ số 1,0 mức lương cơ sở.
2. Trường hợp liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương chưa có nhân sự đủ điều kiện, tiêu chuẩn để giao thêm nhiệm vụ kế toán trưởng ở các đơn vị có nhu cầu thì giao công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đó phân công đoàn viên thuộc đơn vị có đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm nhiệm vụ kế toán trưởng và chi phụ cấp trách nhiệm cho kế toán trưởng kiêm nhiệm hằng tháng, hệ số 1,0 mức lương cơ sở.
3. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở không có cán bộ công đoàn chuyên trách để giao nhiệm vụ thủ quỹ đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu công tác quản lý tài chính theo quy định thì phân công đoàn viên thuộc đơn vị có đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm nhiệm vụ thủ quỹ và chi phụ cấp trách nhiệm công việc thủ quỹ hằng tháng, hệ số 0,5 mức lương cơ sở.
Dựa theo quy định trên, người kiêm nhiệm nhiệm vụ kế toán, chức danh kế toán trưởng và thủ quỹ tại công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm.
Tại công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, người kiêm nhiệm nhiệm vụ kế toán, chức danh kế toán trưởng và thủ quỹ có được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm không? Mức phụ cấp kiêm nhiệm được quy định ra sao? (Hình Internet)
Công đoàn cấp trên có trách nhiệm gì trong việc thành lập công đoàn cơ sở?
Căn cứ khoản 2 Điều 14 Điều lệ Công đoàn Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 174/QĐ-TLĐ năm 2020 quy định như sau:
Trình tự, thủ tục thành lập, giải thể công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở
...
2. Trách nhiệm của công đoàn cấp trên trong việc thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở
a. Hỗ trợ người lao động lập ban vận động.
b. Hỗ trợ ban vận động về nội dung, phương thức tuyên truyền người lao động gia nhập công đoàn, tổ chức đại hội thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở; bầu ban chấp hành công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở.
c. Xem xét công nhận hoặc không công nhận đoàn viên, công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở và ban chấp hành công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở theo quy định.
d. Những nơi người lao động không đủ khả năng tổ chức ban vận động thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên có trách nhiệm trực tiếp tuyên truyền, vận động người lao động gia nhập công đoàn và thực hiện các thủ tục kết nạp đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở, chỉ định ban chấp hành, ủy ban kiểm tra lâm thời và các chức danh trong ban chấp hành, ủy ban kiểm tra lâm thời.
3. Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở không đủ điều kiện tồn tại và hoạt động thì công đoàn cấp trên trực tiếp xem xét quyết định giải thể, chấm dứt hoạt động.
4. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn hướng dẫn chi tiết Điều này.
Theo đó, công đoàn cấp trên có các trách nhiệm sau đây trong việc thành lập công đoàn cơ sở:
- Hỗ trợ người lao động lập ban vận động.
- Hỗ trợ ban vận động về nội dung, phương thức tuyên truyền người lao động gia nhập công đoàn, tổ chức đại hội thành lập công đoàn cơ sở; bầu ban chấp hành công đoàn cơ sở.
- Xem xét công nhận hoặc không công nhận đoàn viên, công đoàn cơ sở, và ban chấp hành công đoàn cơ sở theo quy định.
- Những nơi người lao động không đủ khả năng tổ chức ban vận động thành lập công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên có trách nhiệm trực tiếp tuyên truyền, vận động người lao động gia nhập công đoàn và thực hiện các thủ tục kết nạp đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, chỉ định ban chấp hành, ủy ban kiểm tra lâm thời và các chức danh trong ban chấp hành, ủy ban kiểm tra lâm thời.
Yêu cầu về kinh nghiệm đối với cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở là gì?
Căn cứ khoản 2 Điều 2 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 3169/QĐ-TLĐ năm 2021 quy định như sau:
Tiêu chuẩn chung
...
2. Cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trở lên phải đáp ứng các tiêu chuẩn chung sau đây:
...
c) Về năng lực, uy tín và kinh nghiệm
- Nắm vững tình hình công nhân, viên chức và hoạt động công đoàn trong phạm vi quản lý; tổ chức nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, giải pháp với cấp ủy, chính quyền cùng cấp về thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn; tổ chức thực hiện tốt việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức công đoàn, của đoàn viên và người lao động.
- Có kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý; tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội; giữ mối liên hệ và gắn bó với công nhân lao động và quần chúng nhân dân, là cầu nối giữa công nhân lao động với Đảng; tham gia xây dựng Đảng và chính quyền; tổ chức tập hợp xây dựng liên minh chính trị và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
- Có tư duy đổi mới, có tầm nhìn, phương pháp làm việc khoa học, năng động, sáng tạo; gương mẫu, quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của tập thể, cá nhân; được cán bộ, đảng viên, đoàn viên công đoàn, người lao động tin tưởng, tín nhiệm.
- Có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ.
Theo đó, cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở yêu cầu phải có kinh nghiệm như sau:
- Kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý;
- Tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội;
- Giữ mối liên hệ và gắn bó với công nhân lao động và quần chúng nhân dân, là cầu nối giữa công nhân lao động với Đảng;
- Tham gia xây dựng Đảng và chính quyền;
- Tổ chức tập hợp xây dựng liên minh chính trị và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
- Black Friday là ngày nào 2024? Black Friday 2024 kéo dài bao lâu? Người lao động có được nghỉ làm hưởng nguyên lương vào ngày này không?
- Lễ Tạ Ơn là thứ mấy? Đây có phải là ngày lễ lớn của người lao động không?
- Thứ 6 đen tối là ngày nào? Ngày thứ 6 đen tối có phải ngày nghỉ lễ của người lao động không?
- Quốc hội quyết định mức lương cơ sở mới thay mức lương cơ sở 2.34 hiện đang áp dụng cho toàn bộ CBCCVC và LLVT thì căn cứ phù hợp các yếu tố cụ thể thế nào?
- Chính phủ yêu cầu thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết mới, ai sẽ tham mưu cho CP về vấn đề này?