Quy định về chuyển xếp lương sang ngạch công chức chuyên ngành kế toán có thay đổi gì so với quy định trước đây?
Hệ số lương công chức chuyên ngành kế toán là bao nhiêu?
Căn cứ khoản 1 Điều 24 Thông tư 29/2022/TT-BTC quy định hệ số lương công chức chuyên ngành kế toán như sau:
- Ngạch kế toán viên cao cấp (mã số 06.029) được áp dụng hệ số lương công chức loại A3, nhóm 2 (A3.2), từ hệ số lương 5,75 đến hệ số lương 7,55;
- Ngạch kế toán viên chính (mã số 06.030) được áp dụng hệ số lương công chức loại A2, nhóm 2 (A2.2), từ hệ số lương 4,00 đến 6,38;
- Ngạch kế toán viên (mã số 06.031) được áp dụng hệ số lương công chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;
- Ngạch kế toán viên trung cấp (mã số 06.032) được áp dụng hệ số lương công chức loại A0, từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89.
Thay đổi về quy định chuyển xếp lương sang ngạch công chức chuyên ngành kế toán (Hình ảnh từ Internet)
Chuyển xếp lương đối với công chức sang ngạch công chức chuyên ngành kế toán (mới) được thực hiện như thế nào?
Căn cứ khoản 1 Mục II Thông tư 02/2007/TT-BNV quy định về xếp lương khi nâng ngạch công chức, cụ thể như sau:
(1) Trường hợp chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới.
Thời gian hưởng lương ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới. Thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới được tính như sau:
- Nếu chênh lệch giữa hệ số lương được xếp ở ngạch mới so với hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ bằng hoặc lớn hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới;
- Nếu nhỏ hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày xếp hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ.
(2) Trường hợp đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ, thì căn cứ vào tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới. Thời gian hưởng lương ở ngạch mới và thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới.
(3) Trường hợp có tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ lớn hơn hệ số lương ở bậc cuối cùng trong ngạch mới, thì xếp vào hệ số lương ở bậc cuối cùng trong ngạch mới và được hưởng thêm hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm nhiên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ.
Thời gian hưởng lương ở ngạch mới (kể cả hệ số chênh lệch bảo lưu) và thời gian xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới.
Hệ số chênh lệch bảo lưu tại trường hợp này (tính tròn số sau dấu phẩy 2 số) được hưởng trong suốt thời gian cán bộ, công chức, viên chức xếp lương ở ngạch mới.
Sau đó, nếu cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục được nâng ngạch hoặc chuyển ngạch khác, thì được cộng hệ số chênh lệch bảo lưu này vào hệ số lương (kể cả phụ cấp thâm nhiên vượt khung, nếu có) đang hưởng để xếp lương vào ngạch được bổ nhiệm khi nâng ngạch hoặc chuyển ngạch và thôi hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu kể từ ngày hưởng lương ở ngạch mới.
Quy định về chuyển xếp lương sang ngạch công chức chuyên ngành kế toán có thay đổi gì so với quy định trước đây?
Căn cứ khoản 2 Điều 24 Thông tư 29/2022/TT-BTC quy định về việc chuyển xếp lương đối với công chức sang ngạch công chức chuyên ngành (mới), cụ thể:
- Việc chuyển xếp lương đối với công chức sang ngạch công chức chuyên ngành kế toán (mới) được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 1 Mục II Thông tư 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức (sau đây viết tắt là Thông tư 02/2007/TT-BNV).
- Trường hợp công chức chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện để chuyển xếp lương vào ngạch công chức chuyên ngành kế toán (mới) theo quy định thì tiếp tục được xếp lương theo ngạch công chức hiện hưởng trong thời hạn 05 năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
Trong thời hạn 05 năm này, công chức phải hoàn thiện tiêu chuẩn về trình độ đào tạo theo yêu cầu của ngạch công chức chuyên ngành (mới).
Khi công chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện ở ngạch công chức chuyên ngành (mới) thì cơ quan quản lý hoặc sử dụng công chức chuyển xếp lương theo hướng dẫn tại khoản 1 Mục II Thông tư 02/2007/TT-BNV.
Trường hợp công chức không hoàn thiện tiêu chuẩn về trình độ đào tạo theo yêu cầu của ngạch công chức thì thực hiện tinh giản biên chế theo quy định của pháp luật.
Đối chiếu với Điều 25 Thông tư 77/2019/TT-BTC (có hiệu lực từ 01/01/2020 - 18/07/2022):
- Chỉ quy định đối với ngạch kế toán viên trung cấp.
- Thời hạn tiếp tục xếp lương: Trường hợp chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng phù hợp với vị trí công việc đang làm và đang xếp lương theo công chức loại B thì tiếp tục xếp lương theo công chức loại B đó trong thời hạn 6 năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
- Về hoàn thiện điều kiện, tiêu chuẩn: Trong thời hạn 06 năm này, cơ quan sử dụng công chức phải bố trí cho công chức học tập nâng cao trình độ để đủ tiêu chuẩn của ngạch kế toán viên trung cấp (mới). Khi công chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện ở ngạch kế toán viên trung cấp (mới), thì được xếp lương theo công chức loại A0.
- Về cách thức xử lý nếu không hoàn thiện điều kiện, tiêu chuẩn trong thời hạn quy định: Trường hợp công chức được cử đi học tập nâng cao trình độ mà không tham gia học tập hoặc kết quả học tập không đạt yêu cầu thì cơ quan sử dụng công chức báo cáo cơ quan quản lý công chức xem xét bố trí lại công việc cho phù hợp với trình độ đào tạo hoặc thực hiện tinh giản biên chế.
Như vậy kể từ ngày 18/07/2022, quy định về chuyển xếp lương sang ngạch công chức chuyên ngành kế toán (mới) có nhiều thay đổi, cụ thể như sau:
- Mở rộng đối tượng chuyển xếp lương công chức chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện để chuyển xếp lương vào ngạch công chức chuyên ngành (mới) theo quy định.
- Rút ngắn thời hạn tiếp tục xếp lương còn 05 năm (quy định cũ là 06 năm).
- Thay đổi hướng hoàn thiện điều kiện tiêu chuẩn trong thời hạn tiếp tục xếp lương.
- Thay đổi cách thức xử lý nếu không hoàn thiện điều kiện, tiêu chuẩn trong thời hạn quy định bằng việc thực hiện tinh giản biên chế theo quy định (quy định cũ là thực hiện xem xét bố trí lại công việc cho phù hợp với trình độ đào tạo hoặc thực hiện tinh giản biên chế).
- Từ 7/2/2025, thực hiện cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang, các bộ, cơ quan trung ương khi phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc phải tiết kiệm bao nhiêu phần trăm số chi thường xuyên?
- Gửi Bộ Nội vụ kế hoạch biên chế công chức hằng năm chậm nhất ngày 15/6 đúng không?
- Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi thành lập cho đến nay đã đổi tên mấy lần? Những điều CBCCVC là đảng viên không được làm là gì?
- Chính thức từ ngày 7/2/2025, cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang trong năm 2025 được thu từ những nguồn nào của địa phương?
- Mẫu giấy xác nhận công tác dùng để làm gì? Tải mẫu ở đâu?