Quy định tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hiện nay đã có những thay đổi gì so với trước đây?
Trường hợp nào được tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động?
Quy định về việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng được đưa ra nhằm giải quyết những tình huống không mong muốn mà các bên tham gia vào hợp đồng không thể kiểm soát được. Do đó chỉ có những trường hợp quy định tại Điều 30 Bộ luật Lao động 2019 các bên mới được phép tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, cụ thể:
Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động
1. Các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động bao gồm:
a) Người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ;
b) Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự;
c) Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc cơ sở giáo dục bắt buộc;
d) Lao động nữ mang thai theo quy định tại Điều 138 của Bộ luật này;
đ) Người lao động được bổ nhiệm làm người quản lý doanh nghiệp của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
e) Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
g) Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phần vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác;
h) Trường hợp khác do hai bên thỏa thuận.
Như vậy, nếu người lao động thuộc các trường hợp trên thì được phép thực hiện tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng sẽ giúp các bên tránh được những thiệt hại về tài chính, thời gian và công sức.
Tiến hành tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (Hình từ Internet)
Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động thì có được nhận lương không?
Ngay quy định tại khoản 2 Điều 30 Bộ luật Lao động 2019 cũng có quy định về tiền lương của người lao động khi thực hiện tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, cụ thể:
Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động
…
2. Trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
Như vậy, pháp luật cũng đã thể hiện rõ khi tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động người lao động sẽ không được hưởng lương.
Quy định tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hiện nay đã có những thay đổi gì so với trước đây?
Nhà nước luôn cố gắng trong việc khắc phục, cải thiện trong quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật để pháp luật nước nhà ngày càng hoàn thiện trong đó phải kể đến Bộ luật Lao động 2019 với nhiều sự thay đổi rất rõ ràng.
Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động trong Bộ luật Lao động 2019 và Bộ luật Lao động 2012
Vấn đề về tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động trong Bộ luật Lao động 2019 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung so với Bộ luật Lao động 2012, cụ thể
Như đề cập ở trên tại Điều 30 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động vẫn đang còn hiệu lực áp dụng.
Trong khi đó, tại Điều 32 Bộ luật Lao động 2012 hết hiệu lực ngày 01/01/2021 có quy định như sau:
Các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động
1. Người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự.
2. Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
3. Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.
4. Lao động nữ mang thai theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.
5. Các trường hợp khác do hai bên thoả thuận.
Có thể thấy rõ được sự thay đổi của quy định này qua hai thời kỳ. Bộ luật Lao động 2019 đã kế thừa và phát huy những quy định về tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động của Bộ luật Lao động 2012 đồng thời đã bổ sung, mở rộng thêm các trường hợp được phép tạm hoãn như:
- Người lao động được bổ nhiệm làm người quản lý doanh nghiệp của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
- Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
- Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phần vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác;
Và sự khác biệt quan trọng là tại Bộ luật Lao động 2019 đã quy định thêm quyền và lợi ích của người lao động khi thực hiện tạm hoãn hợp đồng lao động, cụ thể:
- Trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
Điều này đã thể hiện rõ thêm về sự công bằng trong quá trình điều chỉnh mối quan hệ lao động của Bộ luật Lao động 2019.
Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động trong Bộ luật Lao động 2019 và Bộ luật Lao động 1994
Tại Điều 35 Bộ luật Lao động 1994 hết hiệu lực ngày 01/05/2013 có quy định như sau:
1- Hợp đồng lao động được tạm hoãn thực hiện trong những trường hợp sau đây:
a) Người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự hoặc các nghĩa vụ công dân khác do pháp luật quy định;
b) Người lao động bị tạm giữ, tạm giam;
c) Các trường hợp khác do hai bên thoả thuận.
2- Hết thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động đối với các trường hợp quy định tại Điểm a và Điểm c Khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc.
3- Việc nhận lại người lao động bị tạm giữ, tạm giam khi hết thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động do Chính phủ quy định.
Có thể thấy Bộ luật Lao động 2019 quy định cụ thể, rõ ràng hơn so với bộ luật cũ, về thời gian tạm hoãn hợp đồng cũng như việc nhận lại người lao động sau khi thực hiện tạm hoãn hợp đồng lao động được Bộ luật Lao động 2019 tách thành điều riêng để có thể điều chỉnh một cách chi tiết hơn.
Tóm lại, những thay đổi trong Bộ luật Lao động qua từng thời kỳ đều được đưa ra để bảo vệ quyền lợi của các bên, đảm bảo rằng các doanh nghiệp hoạt động đúng theo quy định pháp luật và tránh các tranh chấp lao động không cần thiết. Những thay đổi này cũng mang tính hợp lý và cân nhắc đến các yếu tố khác như nhu cầu của doanh nghiệp và các ảnh hưởng khác đến người lao động và nền kinh tế.
- Ngày 3 12 là ngày gì? NLĐ khuyết tật có được nghỉ vào ngày này không?
- Đã có lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 cho người lao động chi tiết: Có chi trả chậm trễ không?
- Chính thức lịch chi trả lương hưu tháng 12 2024 chi tiết? Có sự điều chỉnh lịch chi trả lương hưu tháng 12 như thế nào?
- Chốt lùi lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 sang 02 ngày đối với hình thức chi trả bằng tiền mặt cho người nghỉ hưu tại TPHCM, cụ thể ra sao?
- Black Friday là thứ mấy? Trong tháng 11 2024 có ngày lễ lớn nào NLĐ được nghỉ hưởng nguyên lương không?