Người lao động làm việc trong môi trường độc hại được nhận những quyền lợi gì?
Người lao động làm việc trong môi trường độc hại được nhận những quyền lợi gì?
Quyền của người lao động làm việc trong môi trường độc hại sẽ có nhiều hưu đãi hơn so với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường, cụ thể:
(1) Về thời gian làm việc
Theo quy định tại khoản 3 Điều 105 Bộ luật Lao động 2019, người lao động được đảm bảo giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm; yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.
(2) Về nghỉ hằng năm
Theo quy định khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm việc trong môi trường độc hại khi làm đủ 12 tháng cho người sử dụng lao động thì sẽ được nghỉ hằng năm hưởng nguyên lương như sau:
- 14 ngày đối với người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
- 16 ngày đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
(3) Quyền lợi riêng của một số đối tượng
- Đối với lao động nữ
Theo quy định tại khoản 2 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019, lao động nữ mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi được giảm bớt 01 giờ làm việc/ngày hoặc chuyển công việc nhẹ hơn.
- Đối với người lao động cao tuổi
Theo quy định tại khoản 3 Điều 149 Bộ luật lao động 2019, chỉ được sử dụng lao động cao tuổi khi đảm bảo điều kiện an toàn.
- Đối với người lao động khuyết tật
Theo quy định tại khoản 2 Điều 160 Bộ luật Lao động 2019, chỉ được sử dụng người khuyết tật làm công việc này nếu họ đồng ý.
(4) Chế độ hưu trí
Theo quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc; độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại; nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu theo quy định.
(5) Chế độ ốm đau
Theo quy định tại Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động làm việc trong môi trường độc hại được nghỉ hưởng chế độ ốm đau với số ngày:
- 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm (điều kiện bình thường là 30 ngày);
- 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 – dưới 30 năm (điều kiện bình thường là 40 ngày);
- 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên (điều kiện bình thường là 60 ngày);
(6) Chế độ bệnh nghề nghiệp
Để được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp, người lao động phải đảm bảo các điều kiện tại Điều 44 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:
- Bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành; khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại;
- Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh bệnh nghề nghiệp.
(7) Chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH, điều kiện để hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật là:
- Làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
- Đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất 01 trong 02 yếu tố sau đây:
+ Có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại không bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế.
+ Tiếp xúc với ít nhất 01 yếu tố được xếp từ 4 điểm trở lên thuộc nhóm chỉ tiêu “Tiếp xúc các nguồn gây bệnh truyền nhiễm theo Luật phòng, chống các bệnh truyền nhiễm” (số thứ tự 10.1 Mục A, Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 29/2021/TT-BLĐTBXH)
Đồng thời, theo quy định tại Điều 4 Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH, bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày; có giá trị bằng tiền tương ứng theo các mức sau:
- Mức 1: 13.000 đồng;
- Mức 2: 20.000 đồng;
- Mức 3: 26.000 đồng;
- Mức 4: 32.000 đồng.
Người lao động làm việc trong môi trường độc hại được nhận những quyền lợi gì?
Chế độ phụ cấp độc hại có phải ghi vào hợp đồng lao động hay không?
Tại Điều 103 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Chế độ nâng lương, nâng bậc, phụ cấp, trợ cấp
Chế độ nâng lương, nâng bậc, phụ cấp, trợ cấp và các chế độ khuyến khích đối với người lao động được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của người sử dụng lao động.
Như vậy, đối với chế độ phụ cấp độc hại sẽ được bên người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận trong hợp đồng hoặc thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của người sử dụng lao động.
Có được hưởng phụ cấp độc hại đối với người lao động thử việc thuộc biên chế trả lương của cơ quan nhà nước?
Tại Mục I Thông tư 07/2005/TT-BNV có quy định như sau:
I. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi độc hại nguy hiểm mà yếu tố độc hại nguy hiểm cao hơn bình thường chưa được tính vào hệ số lương, bao gồm:
1. Cán bộ, công chức (kể cả công chức dự bị), viên chức, những người đang trong thời gian tập sự, thử việc thuộc biên chế trả lương của các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.
...
Theo đó, người lao động thử việc thuộc biên chế trả lương của các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước nếu làm việc trực tiếp ở nơi độc hại nguy hiểm mà yếu tố độc hại nguy hiểm cao hơn bình thường chưa được tính vào hệ số lương thì được hưởng phụ cấp độc hại, nguy hiểm.
- Chính thức lịch chi trả lương hưu tháng 12 2024 chi tiết? Có sự điều chỉnh lịch chi trả lương hưu tháng 12 như thế nào?
- Lễ Tạ Ơn 2024 là ngày mấy? Lễ Tạ Ơn có những hoạt động gì? Ở Việt Nam, người lao động có được nghỉ làm vào ngày Lễ Tạ Ơn không?
- Cyber Monday là gì? Cyber Monday 2024 diễn ra vào ngày nào? Năm 2024, người lao động còn những ngày nghỉ lễ nào?
- Thứ 5 cuối cùng của tháng 11 có sự kiện đặc biệt gì? Tháng 11 người lao động được nghỉ tối đa bao nhiêu ngày?
- Đã có thông báo về mức lương cơ sở mới của của đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước tác động kinh tế vĩ mô thế nào?