Người lao động chỉ tham gia bảo hiểm y tế mà không tham gia bảo hiểm xã hội có được không?
Người lao động chỉ tham gia bảo hiểm y tế mà không tham gia bảo hiểm xã hội có được không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 168 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp
1. Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; người lao động được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Khuyến khích người sử dụng lao động, người lao động tham gia các hình thức bảo hiểm khác đối với người lao động.
...
Theo đó, người lao động có quyền và nghĩa vụ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, và bảo hiểm thất nghiệp.
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:
Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
...
Và theo khoản 4 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:
Mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
...
4. Người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 của Luật này mà giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì chỉ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều này đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên.
...
Theo đó, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên đã phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và chỉ đóng bảo hiểm theo hợp đồng lao động giao kết đầu tiên nếu có nhiều hợp đồng lao động với người sử dụng lao động khác nhau.
Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 có quy định như sau:
Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế
1. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, bao gồm:
a) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động);
...
Và theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế 2008 được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 như sau:
Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế
...
2. Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng bảo hiểm y tế theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này.
Trường hợp đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 của Luật này có thêm một hoặc nhiều hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thì đóng bảo hiểm y tế theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất.
Trường hợp đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 của Luật này đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng bảo hiểm y tế theo thứ tự như sau: do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng, do ngân sách nhà nước đóng, do đối tượng và Ủy ban nhân dân cấp xã đóng.
...
Theo đó, người lao động tham gia bảo hiểm y tế khi làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên và đóng bảo hiểm y tế theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất.
Như vậy, trường hợp người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động, người lao động có thể chỉ đóng bảo hiểm y tế mà không cần đóng bảo hiểm xã hội cho một hợp đồng lao động khi hợp đồng lao động đó không phải là hợp đồng lao động được ký đầu tiên.
Tuy nhiên, cơ bản người lao động khi làm việc theo hợp đồng lao động phải tham gia đầy đủ 3 loại bảo hiểm là bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Người lao động chỉ tham gia bảo hiểm y tế mà không tham gia bảo hiểm xã hội có được không?
Người lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ bị xử lý như thế nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, tham gia không đúng đối tượng hoặc tham gia không đúng mức quy định.
..
Theo đó, người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà không tham gia sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng tùy theo mức độ vi phạm.
Người lao động không tham gia bảo hiểm y tế sẽ bị xử lý như thế nào?
Theo khoản 1 Điều 80 Nghị định 117/2020/NĐ-CP có quy định như sau:
Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm y tế
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không đóng bảo hiểm y tế của đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế.
..
Theo đó, người bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế mà không đóng bảo hiểm y tế sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng tùy theo mức độ vi phạm.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Bài phát biểu hay về Cựu chiến binh ngày 6 12 ngắn gọn, ý nghĩa? Cựu chiến binh có được hưởng chế độ gì không?
- Hội Cựu chiến binh Việt Nam thành lập vào ngày tháng năm nào? Tiền phụ cấp chức vụ lãnh đạo Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam cấp xã là bao nhiêu?
- 6 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày 6 12 năm 2024 vẫn được hưởng nguyên lương đúng không?
- Ngày 4 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày này không?