Người đại diện theo pháp luật của một doanh nghiệp có thể ký HĐLĐ toàn thời gian cho doanh nghiệp khác được không?
Quy định pháp luật về việc người đại diện theo pháp luật ký thêm HĐLĐ?
Căn cứ theo Điều 19 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về việc cho phép người lao động ký kết nhiều hợp đồng lao động, cụ thể:
Giao kết nhiều hợp đồng lao động
1. Người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết.
2. Người lao động đồng thời giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.
Như vậy, pháp luật không hạn chế việc người lao động, người đang là đại diện pháp luật của một công ty ký kết thêm nhiều hợp đồng lao động.
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp (Hình từ Internet)
Người đại diện theo pháp luật của một doanh nghiệp có thể ký HĐLĐ toàn thời gian cho doanh nghiệp khác được không?
Như phân tích ở trên, pháp luật không cấm việc một người có thể đại diện theo pháp luật cho 2 doanh nghiệp hoặc làm đại diện theo pháp luật tại công ty này và ký HĐLĐ làm vị trí khác tại doanh nghiệp khác làm việc toàn thời gian, vấn đề này do các bên thỏa thuận.
Luật chỉ quy định doanh nghiệp có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật tại khoản 1 và khoản 2 Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020, cụ thể:
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
2. Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Nếu công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật thì Điều lệ công ty quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật. Trường hợp việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật chưa được quy định rõ trong Điều lệ công ty thì mỗi người đại diện theo pháp luật của công ty đều là đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba; tất cả người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
…
Ngoài ra, trong nội dung giao kết theo khoản 2 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nội dung giao kết có quy định trường hợp người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm.
Như vậy, người đại diện theo pháp luật của 1 doanh nghiệp có thể ký HĐLĐ toàn thời gian cho doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên người lao động phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết trừ trường hợp có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh mà trong nội dung giao kết các bên sẽ thoả thuận và có hạn chế về việc người lao động không được phép làm việc tại một số công ty khác thì người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không thể ký HĐLĐ toàn thời gian cho doanh nghiệp khác.
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm gì?
Căn cứ tại Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2020 sau đây:
Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;
b) Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
c) Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về doanh nghiệp mà mình, người có liên quan của mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp theo quy định của Luật này.
2. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân đối với thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều này.
Như vậy, khi là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cần phải đảm bảo thực hiện tốt các trách nhiệm của mình theo quy định pháp luật.
- Từ 7/2/2025, thực hiện cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang, các bộ, cơ quan trung ương khi phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc phải tiết kiệm bao nhiêu phần trăm số chi thường xuyên?
- Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi thành lập cho đến nay đã đổi tên mấy lần? Những điều CBCCVC là đảng viên không được làm là gì?
- Chính thức từ ngày 7/2/2025, cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang trong năm 2025 được thu từ những nguồn nào của địa phương?
- Mẫu giấy xác nhận công tác dùng để làm gì? Tải mẫu ở đâu?
- Những loại hợp đồng lao động nào được pháp luật Việt Nam công nhận?