Luật sư có được mở văn phòng công chứng không?
Luật sư là gì? Nguyên tắc hành nghề Luật sư bao gồm những nguyên tắc nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Luật Luật sư 2006:
Luật sư là người đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện để hành nghề theo quy định của pháp luật, tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và cung cấp dịch vụ pháp lý.
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Luật Luật sư 2006 (Được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012) quy định về các nguyên tắc hành nghề Luật sư như sau:
- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.
- Tuân theo quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam
- Độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan.
- Sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp luật sư.
Luật sư có được mở văn phòng công chứng không? (Hình từ Internet)
Luật sư có được mở văn phòng công chứng không?
Căn cứ tại Điều 22 Luật Công chứng 2014 1quy định:
Văn phòng công chứng
1. Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh.
Văn phòng công chứng phải có từ hai công chứng viên hợp danh trở lên. Văn phòng công chứng không có thành viên góp vốn.
2. Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng công chứng là Trưởng Văn phòng. Trưởng Văn phòng công chứng phải là công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng và đã hành nghề công chứng từ 02 năm trở lên.
...
Căn cứ theo Điều 23 Luật Công chứng 2014 quy định:
Thành lập và đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng
1. Các công chứng viên thành lập Văn phòng công chứng phải có hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định. Hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng gồm đơn đề nghị thành lập và đề án thành lập Văn phòng công chứng, trong đó nêu rõ sự cần thiết thành lập, dự kiến về tổ chức, tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở, các điều kiện vật chất và kế hoạch triển khai thực hiện; bản sao quyết định bổ nhiệm công chứng viên tham gia thành lập Văn phòng công chứng.
...
Do đó có thể thấy pháp luật quy định Văn phòng công chứng do Công chứng viên mở.
Đồng thời theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014, thì công chứng viên là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật Công chứng hiện hành và phải được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để hành nghề công chứng.
Như vậy, nếu luật sư đủ tiêu chuẩn công chứng viên và được bổ nhiệm là hành nghề công chứng thì vẫn có thể mở Văn phòng công chứng khi đủ điều kiện.
Còn đối với trường hợp chỉ là luật sư thì không đương nhiên được xem là công chứng viên và không được hành nghề công chứng nếu không được bổ nhiệm do đó không đáp ứng điều kiện cơ bản mở văn phòng công chứng.
Điều kiện thành lập văn phòng công chứng là gì?
1. Điều kiện về loại hình doanh nghiệp
Theo khoản 1 Điều 22 Luật Công chứng 2014 thì Văn phòng công chứng được thành lập dưới loại hình công ty hợp danh.
Tuy nhiên, Văn phòng công chứng phải có từ hai công chứng viên hợp danh trở lên. Văn phòng công chứng không có thành viên góp vốn.
2. Điều kiện về người đại diện theo pháp luật của Văn phòng công chứng
Căn cứ tại khoản 2 Điều 22 Luật Công chứng 2014 quy định:
- Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng công chứng là Trưởng Văn phòng. Trưởng Văn phòng công chứng phải là công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng và đã hành nghề công chứng từ 02 năm trở lên.
- Tiêu chuẩn Công chứng viên được quy định tại Điều 8 Luật Công chứng 2014 như sau:
Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và có đủ các tiêu chuẩn sau đây thì được xem xét, bổ nhiệm công chứng viên:
+ Có bằng cử nhân luật;
+ Có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật;
+ Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng quy định tại Điều 9 Luật Công chứng 2014 hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Công chứng 2014;
+ Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng;
+ Bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng;
3. Điều kiện về tên gọi của Văn phòng công chứng
Tên gọi của Văn phòng công chứng được quy định tại khoản 3 Điều 22 Luật Công chứng 2014, cụ thể:
Tên gọi của Văn phòng công chứng phải bao gồm cụm từ “Văn phòng công chứng” kèm theo họ tên của Trưởng Văn phòng hoặc họ tên của một công chứng viên hợp danh khác của Văn phòng công chứng do các công chứng viên hợp danh thỏa thuận, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác, không được vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
4. Điều kiện về trụ sở của Văn phòng công chứng
Căn cứ tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 29/2015/NĐ-CP quy định về trụ sở của Văn phòng công chứng như sau:
Trụ sở của Văn phòng công chứng phải có địa chỉ cụ thể, có nơi làm việc cho công chứng viên và người lao động với diện tích tối thiểu theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc tại các đơn vị sự nghiệp, có nơi tiếp người yêu cầu công chứng và nơi lưu trữ hồ sơ công chứng.
5. Điều kiện về con dấu của Văn phòng công chứng
Căn cứ quy định khoản 5 Điều 22 Luật Công chứng 2014 quy định:
- Văn phòng công chứng có con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính bằng nguồn thu từ phí công chứng, thù lao công chứng và các nguồn thu hợp pháp khác.
- Văn phòng công chứng sử dụng con dấu không có hình quốc huy.
- Văn phòng công chứng được khắc và sử dụng con dấu sau khi có quyết định cho phép thành lập. Thủ tục, hồ sơ xin khắc dấu, việc quản lý, sử dụng con dấu của Văn phòng công chứng được thực hiện theo quy định của pháp luật về con dấu.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ về cải cách tiền lương toàn bộ cán bộ, công chức viên chức và lực lượng vũ trang dự toán ngân sách như thế nào?
- Chính thức hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo cho cán bộ công chức viên chức và LLVT chuyển xếp lương ra sao?
- Lịch nghỉ Tết Dương lịch 2025, lịch nghỉ tết Âm lịch 2025 chính thức của người lao động do Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể thế nào?
- Chính thức quyết định thưởng Tết 2025 cho người lao động của doanh nghiệp sẽ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc đúng không?