Lao động nữ có được kéo dài thời gian nghỉ thai sản hay không?
Lao động nữ sinh con được nghỉ thai sản trong thời gian bao lâu?
Tại khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định:
Thời gian hưởng chế độ khi sinh con
1. Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
...
Theo đó, thời gian hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con thông thường sẽ là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Lao động nữ có được kéo dài thời gian nghỉ thai sản hay không? (Hình từ Internet)
Hết thời gian nghỉ thai sản, sau bao lâu phải trở lại công ty?
Sau khi nghỉ hết thời gian nói trên, người lao động cần quay trở lại công ty làm việc. Hiện nay Bộ luật Lao động 2019, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và các văn hướng dẫn đều không quy định rõ thời gian mà người lao động phải trở lại làm việc sau khi hết thời gian nghỉ thai sản.
Tại điểm d khoản 1 Điều 30 Bộ luật Lao động 2019 có quy định:
Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động
1. Các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động bao gồm:
...
d) Lao động nữ mang thai theo quy định tại Điều 138 của Bộ luật này;
...
Dẫn chiếu đến khoản 1 Điều 138 Bộ luật Lao động 2019 có nội dung như sau:
Quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai
1. Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
Trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động thì phải thông báo cho người sử dụng lao động kèm theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.
...
Theo đó, trường hợp lao động nữ nghỉ thai sản khi sinh con không phải là trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động nên ngay cả khi người lao động nghỉ thai sản thì hợp đồng lao động vẫn đang tiếp diễn. Việc nghỉ thai sản không làm chấm dứt hay tạm hoãn hợp đồng.
Vì vậy, sau khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định người lao động cần trở lại làm việc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Người lao động có được kéo dài thời gian nghỉ thai sản hay không?
Trường hợp đã nghỉ hết thời gian nghỉ chế độ thai sản mà lao động nữ vẫn muốn nghỉ thêm thì có thể thực hiện theo một trong hai cách sau đây:
Cách 1: Xin nghỉ hưởng chế độ dưỡng sức sau thai sản
Tại Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:
Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản
1. Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 33, khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày.
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.
2. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe quy định tại khoản 1 Điều này do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:
a) Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên;
b) Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;
c) Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác.
3. Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Như vậy, trường hợp lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ thai sản trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày.
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định cụ thể như sau:
- Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên;
- Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;
- Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác.
Với mỗi ngày nghỉ, người lao động sẽ được cơ quan BHXH thanh toán 30% mức lương cơ sở.
Cách 2: Thỏa thuận với doanh nghiệp về việc nghỉ làm không lương
Tại khoản 3 Điều 139 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Nghỉ thai sản
...
3. Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương sau khi thỏa thuận với người sử dụng lao động.
Theo quy định này, người lao động có nhu cầu nghỉ thêm thì hoàn toàn có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc nghỉ làm không hưởng lương. Để có thể nghỉ thêm trong trường hợp này, người lao động bắt buộc phải có được sự đồng ý từ người sử dụng lao động.
Ưu điểm của cách này là người lao động có thể nghỉ làm trong thời gian dài nhưng nhược điểm là không được trả lương, không có thu nhập trong thời gian nghỉ.
Tóm lại: Lao động nữ sau khi hết thời gian nghỉ thai sản 06 tháng và hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản theo quy định của pháp luật nếu lao động nữ muốn tiếp tục nghỉ thêm không hưởng lương thì thỏa thuận với doanh nghiệp về nghỉ không hưởng lương. Trường hợp không thỏa thuận được thì sau khi hết thời gian nghỉ thai sản, người lao động phải đi làm trở lại.
- Black Friday là ngày nào 2024? Black Friday 2024 kéo dài bao lâu? Người lao động có được nghỉ làm hưởng nguyên lương vào ngày này không?
- Lễ Tạ Ơn là thứ mấy? Đây có phải là ngày lễ lớn của người lao động không?
- Đã có thông tin về mức lương cơ sở mới tại Thông báo 511 do Văn phòng Chính phủ ban hành, cụ thể ra sao?
- Thời điểm chính thức tăng lương hưu là vào năm 2025 hay 2026?
- Từ 1/7/2025, chính sách tăng lương hưu mới có hiệu lực sẽ thực hiện tăng lương hưu cho CBCCVC và người lao động có đúng không?