Dự báo tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam cả năm 2023? Kinh tế Việt Nam ảnh hưởng đến mức lương người lao động ra sao?
Dự báo tình hình kinh tế thế giới cả năm 2023 như thế nào?
Theo Tổng cục Thống kê có công bố về Tổng quan dự báo tình hình kinh tế thế giới quý 3 và cả năm 2023 trong đó có nội dung về dự báo tình hình kinh tế thế giới cả năm 2023 như sau:
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 được điều chỉnh tăng nhẹ so với các dự báo trước đó, cụ thể:
Liên minh châu Âu (EU)
Theo Dự báo kinh tế mùa hè 2023 của EU, kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chững lại khi GDP Quý II/2023 chỉ tăng 0,5% so với quý trước, thấp hơn mức tăng 1% trong Quý I/2023, do nhu cầu trong nước của Hoa Kỳ và một số nền kinh tế phát triển khác vẫn mạnh.
Tốc độ tăng trưởng ở Trung Quốc chậm lại khi động lực từ tái mở cửa nền kinh tế giảm dần. EU dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 đạt 3,2%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 5/2023.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)
Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế sơ bộ tháng 9/2023, OECD điều chỉnh tăng trưởng toàn cầu năm 2023 tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2023, đạt 3%. Tăng trưởng ở hầu hết các nền kinh tế phát triển bị ảnh hưởng bởi chính sách thắt chặt kinh tế nhằm kiềm chế lạm phát và hướng tới tài chính công bền vững.
Nền kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng chậm lại giai đoạn 2023-2024 do những vấn đề về cơ cấu kinh tế. Sức cầu yếu sẽ giúp giảm lạm phát cơ bản và lạm phát chung ở hầu hết các quốc gia G20, đặc biệt tại Trung Quốc.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)
Theo báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới cập nhật tháng 7/2023 của IMF, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo đạt 3%, điều chỉnh tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 4/2023.
Con số dự báo này vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng trung bình 3,8% giai đoạn 2000-2019. Tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển năm 2023 dự báo đạt 1,5%, điều chỉnh tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 4/2023 khi hoạt động dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ hơn bù đắp cho hoạt động sản xuất yếu đi.
Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có mức tăng trưởng ổn định, đạt 4,0% năm 2023, tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 4/2023.
Fitch Ratings (FR)
Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu của FR nhận định kinh tế thế giới năm 2023 tăng trưởng ở mức 2,5%, điều chỉnh tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2023, phản ánh khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên từ đầu năm đến nay tại Hoa Kỳ, Nhật Bản và các thị trường mới nổi trừ Trung Quốc.
Tuy nhiên, sụt giảm mạnh thị trường bất động sản tại Trung Quốc và chính sách thắt chặt tiền tệ của các nước phát triển sẽ đè nặng lên triển vọng tăng trưởng toàn cầu trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (WB)
Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6/2023, WB nhận định nền kinh tế toàn cầu vẫn bấp bênh trong bối cảnh chịu tác động kéo dài của các cú sốc tiêu cực chồng chéo như đại dịch Covid-19, xung đột giữa Nga và U-crai-na và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn để kiềm chế lạm phát.
Những động lực giúp phục hồi kinh tế toàn cầu những tháng đầu năm 2023 dự kiến sẽ suy giảm trong các tháng cuối năm. Điều này cho thấy hoạt động kinh tế toàn cầu cả năm 2023 sẽ chậm lại, phản ánh sự giảm tốc rõ rệt ở các nền kinh tế phát triển.
Tăng trưởng toàn cầu được dự báo đạt 2,1% trong năm 2023, điều chỉnh tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 01/2023. Tuy nhiên, lực cản từ chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn đang ngày càng rõ ràng, đặc biệt trong các hoạt động có yếu tố lãi suất nhạy cảm hơn như đầu tư kinh doanh và nhà ở, bao gồm cả xây dựng.
Tăng trưởng ở các nền kinh tế phát triển được dự báo đạt 0,7%. Tốc độ tăng trưởng chung năm 2023 của các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi dự báo đạt 4%.
Xem chi tiết Tổng quan dự báo tình hình kinh tế thế giới quý 3 và cả năm 2023: TẢI VỀ
Dự báo tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam cả năm 2023? Kinh tế Việt Nam ảnh hưởng đến mức lương người lao động ra sao?
Dự báo tình hình kinh tế Việt Nam cả năm 2023 như thế nào?
Theo Tổng cục Thống kê có công bố về Tổng quan dự báo tình hình kinh tế thế giới quý 3 và cả năm 2023 trong đó có nội dung về dự báo tình hình kinh tế Việt Nam cả năm 2023 như sau:
Dự báo của ADB trong báo cáo Triển vọng phát triển châu Á tháng 9/2023
Tăng trưởng GDP nửa đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước chỉ đạt 3,7%, thấp hơn nhiều so với mức 6,5% trong nửa đầu năm 2022, do nhu cầu bên ngoài yếu và tăng trưởng giá trị sản xuất ngành chế biến, chế tạo chỉ đạt 0,4%.
Chỉ số PMI chế biến, chế tạo đã giảm xuống dưới 50 điểm kể từ tháng 3/2023 do tăng trưởng thương mại yếu khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa. Sản xuất công nghiệp cũng bị ảnh hưởng bởi sự cố mất điện ở miền Bắc và khó khăn trong lĩnh vực bất động sản.
Việc thắt chặt tín dụng để đối phó với thị trường trái phiếu doanh nghiệp và rủi ro tài sản của các ngân hàng đã gây áp lực lên hoạt động xây dựng. Tuy nhiên, sự phục hồi của du lịch trong nước đã thúc đẩy tiêu dùng, với doanh số bán lẻ trong nửa đầu năm 2023 tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, ADB dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam đạt 5,8%, điều chỉnh giảm 0,7 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 4/2023.
Dự báo của OECD trong báo cáo Triển vọng kinh tế Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ 2023, cập nhật tháng 9/2023
Theo OECD, Việt Nam chứng kiến mức tăng trưởng yếu hơn dự kiến trong nửa đầu năm 2023 do nhu cầu bên ngoài từ các thị trường lớn trên toàn cầu tiếp tục suy giảm và lạm phát cơ bản tăng cao khiến sức mua của người tiêu dùng giảm. Với môi trường bên ngoài vẫn không thuận lợi, tăng trưởng của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục chững lại trong thời gian còn lại của năm.
OECD dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam đạt 4,9%, điều chỉnh giảm 1,5 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 3/2023. Trong thời gian tới, tiêu dùng tư nhân sẽ tiếp tục ở mức vừa phải do các doanh nghiệp thu hẹp quy mô việc làm trong bối cảnh niềm tin kinh doanh giảm. Với việc lạm phát hạ nhiệt, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục loạt đợt cắt giảm lãi suất để thúc đẩy cho vay và đầu tư, qua đó có thể giúp tạo đà tăng trưởng.
Lĩnh vực dịch vụ phục hồi, đặc biệt là trong các lĩnh vực như thương mại bán lẻ, lưu trú, dịch vụ ăn uống, giải trí và vận tải hành khách góp phần thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới. Tuy nhiên, lĩnh vực chế biến, chế tạo sẽ vẫn là động lực chính thúc đẩy hoạt động kinh tế của đất nước và những trở ngại đối với xuất khẩu được dự báo sẽ giảm dần từ cuối năm 2023 đến năm 2024 khi nền kinh tế Hoa Kỳ và EU bắt đầu phục hồi.
Dự báo của WB trong báo cáo Điểm lại tháng 8/2023
Sau khi đạt tốc độ tăng trưởng GDP thực ở mức 8% trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm mạnh trong nửa đầu năm 2023, do sức cầu bên ngoài giảm mạnh, đồng thời nhu cầu trong nước cũng đang yếu đi.
Tăng trưởng GDP theo giá so sánh của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 giảm còn 3,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 6,4% của 6 tháng đầu năm 2022.
WB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,7% trong năm 2023, điều chỉnh giảm 1,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2023. Nhu cầu trong nước dự kiến vẫn là động lực tăng trưởng chính trong năm 2023. Tiêu dùng tư nhân đứng vững, đóng góp 3,4 điểm phần trăm cho tăng trưởng GDP. Về tổng thể, đầu tư sẽ đóng góp 1,8 điểm phần trăm cho tăng trưởng GDP. Đầu tư tư nhân dự kiến sẽ giảm nhẹ do những bất định ở môi trường bên ngoài, đóng góp 1,2 điểm phần trăm cho tăng trưởng GDP.
Đầu tư công được kỳ vọng sẽ tăng mạnh, đóng góp 0,6 điểm phần trăm cho tăng trưởng, nhưng chỉ bù đắp được phần nào cho đầu tư tư nhân đang giảm. Với những giải pháp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, những hạn chế về nguồn tài chính dành cho các lĩnh vực bất động sản, xây dựng dự kiến sẽ được nới lỏng, qua đó hỗ trợ cho đầu tư tư nhân từng bước phục hồi từ năm 2024 trở đi.
Dự báo của IMF trong báo cáo Đoàn tham vấn Điều khoản IV tháng 6/2023
Theo IMF, quá trình phục hồi kinh tế mạnh mẽ sau đại dịch của Việt Nam đã bị gián đoạn do những cơn gió ngược cả trong và ngoài nước. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự báo sẽ chậm lại từ mức 8% trong năm 2022 xuống còn 4,7% trong năm 2023. Với sự bất định lớn trong ngắn hạn, các chính sách nên tập trung vào bảo đảm ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô, đồng thời đẩy nhanh thực hiện các cải cách.
Chính sách tài khóa có thể đóng một vai trò lớn hơn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất. Ngoài ra, để đạt được các mục tiêu phát triển và tham vọng giảm phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 của Việt Nam, cần đẩy mạnh cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cấp cơ sở hạ tầng quan trọng và đầu tư vào giáo dục.
Theo Trading Economics, dự báo tăng trưởng Quý III/2023 của Việt Nam so với cùng kỳ năm trước đạt 3,0%.
Tình hình kinh tế Việt Nam ảnh hưởng đến mức lương người lao động ra sao?
Căn cứ theo Điều 91 Bộ luật Lao động 2019 có quy định mức lương tối thiểu như sau:
Mức lương tối thiểu
1. Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
2. Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ.
3. Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quyết định và công bố mức lương tối thiểu trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.
Theo quy định trên mức lương tối thiểu của người lao động Việt Nam sẽ được điều chỉnh dựa trên các tiêu chí nêu trên trong đó có căn cứ tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Theo đó tình hình kinh tế Việt Nam tăng trưởng cũng sẽ ảnh hưởng đến việc điều chỉnh mức lương tối thiểu của người lao động.
- Từ 7/2/2025, thực hiện cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang, các bộ, cơ quan trung ương khi phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc phải tiết kiệm bao nhiêu phần trăm số chi thường xuyên?
- Gửi Bộ Nội vụ kế hoạch biên chế công chức hằng năm chậm nhất ngày 15/6 đúng không?
- Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi thành lập cho đến nay đã đổi tên mấy lần? Những điều CBCCVC là đảng viên không được làm là gì?
- Chính thức từ ngày 7/2/2025, cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang trong năm 2025 được thu từ những nguồn nào của địa phương?
- Mẫu giấy xác nhận công tác dùng để làm gì? Tải mẫu ở đâu?