Đơn vị sự nghiệp công lập được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc đối với viên chức nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi không?
- Đơn vị sự nghiệp công lập được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc đối với viên chức nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi không?
- Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong những trường hợp nào?
- Khi chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức xảy ra tranh chấp thì giải quyết dựa trên nguyên tắc gì?
Đơn vị sự nghiệp công lập được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc đối với viên chức nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi không?
Căn cứ theo Điều 29 Luật Viên chức 2010 được bổ sung bởi khoản 4 Điều 2 và có cụm từ này bị thay thế bởi điểm b khoản 12 Điều 2 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 quy định như sau:
Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc
1. Đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức trong các trường hợp sau:
a) Viên chức có 02 năm liên tiếp bị xếp loại chất lượng ở mức độ không hoàn thành nhiệm vụ;
b) Viên chức bị buộc thôi việc theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 52 và khoản 1 Điều 57 của Luật này;
c) Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn bị ốm đau đã điều trị 12 tháng liên tục, viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn bị ốm đau đã điều trị 06 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục. Khi sức khỏe của viên chức bình phục thì được xem xét để ký kết tiếp hợp đồng làm việc;
d) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ làm cho đơn vị sự nghiệp công lập buộc phải thu hẹp quy mô, khiến vị trí việc làm mà viên chức đang đảm nhận không còn;
đ) Khi đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
e) Viên chức không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự.
2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải báo cho viên chức biết trước ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hoặc ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng làm việc xác định thời hạn. Đối với viên chức do cơ quan quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tuyển dụng, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định sau khi có sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý đơn vị sự nghiệp công lập.
3. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập không được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức trong các trường hợp sau:
a) Viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn, đang điều trị bệnh nghề nghiệp theo quyết định của cơ sở chữa bệnh, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;
b) Viên chức đang nghỉ hàng năm, nghỉ về việc riêng và những trường hợp nghỉ khác được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cho phép;
c) Viên chức nữ đang trong thời gian có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 36 tháng tuổi, trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hoạt động.
...
Theo đó, đơn vị sự nghiệp công lập không được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc đối với viên chức nữ đang nuôi con dưới 36 tháng.
Tuy nhiên, đơn vị sự nghiệp công lập được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc đối với viên chức nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi trong trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hoạt động.
Đơn vị sự nghiệp công lập được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc đối với viên chức nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi không? (Hình từ Internet)
Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong những trường hợp nào?
Theo quy định tại khoản 5 Điều 29 Luật Viên chức 2010, viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong những trường hợp sau:
- Không được bố trí theo đúng vị trí việc làm, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm các điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng làm việc;
- Không được trả lương đầy đủ hoặc không được trả lương đúng thời hạn theo hợp đồng làm việc;
- Bị ngược đãi; bị cưỡng bức lao động;
- Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng;
- Viên chức nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở chữa bệnh;
- Viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị từ 03 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục.
Khi chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức xảy ra tranh chấp thì giải quyết dựa trên nguyên tắc gì?
Căn cứ theo Điều 30 Luật Viên chức 2010 quy định như sau:
Giải quyết tranh chấp về hợp đồng làm việc
Tranh chấp liên quan đến việc ký kết, thực hiện hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc được giải quyết theo quy định của pháp luật về lao động.
Tranh chấp liên quan đến chấm dứt hợp đồng làm việc được giải quyết theo quy định tại Điều 108 Bộ luật Lao động 2019. Do đó, giải quyết tranh chấp khi chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức dựa trên nguyên tắc sau:
- Tôn trọng quyền tự định đoạt thông qua thương lượng của các bên trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp lao động.
- Coi trọng giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái pháp luật.
- Công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, nhanh chóng và đúng pháp luật.
- Bảo đảm sự tham gia của đại diện các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.
- Việc giải quyết tranh chấp lao động do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tiến hành sau khi có yêu cầu của bên tranh chấp hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được các bên tranh chấp đồng ý.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Chốt lương hưu tháng 1 năm 2025: chi tiết lịch chi trả và mức hưởng tính như thế nào?
- Chốt lịch chi trả lương hưu tháng 1, tháng 2/2025 nhận gộp vào ngày nào?
- Chỉ thị mới về chính sách cải cách tiền lương của cán bộ, công chức viên chức: Cần tiếp tục thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên có đúng không?
- Khi nào thì chính thức tăng lương hưu cho người lao động?