Đề xuất bổ sung trường hợp công chức được hưởng chế độ thôi việc theo Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định của Chính phủ về cán bộ, công chức, viên chức?
Công chức được hiểu như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 quy định về công chức theo đó:
Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Đề xuất bổ sung trường hợp công chức được hưởng chế độ thôi việc theo Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định của Chính phủ về cán bộ, công chức, viên chức? (Hình từ Internet)
Trong trường hợp nào công chức được hưởng chế độ thôi việc?
Theo quy định tại Điều 59 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, công chức được hưởng chế độ thôi việc nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Do sắp xếp tổ chức; Theo nguyện vọng và được cấp có thẩm quyền đồng ý; Có 2 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.
Trong đó, Điều 3 Nghị định 46/2010/NĐ-CP, Chính phủ chỉ nêu 2 trường hợp là:
Công chức được hưởng chế độ thôi việc quy định tại Nghị định này trong các trường hợp sau:
1. Theo nguyện vọng và được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền đồng ý.
2. Do 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Cán bộ, công chức.
Theo đó, công chức được hưởng chế độ thôi việc khi có nguyện vọng và được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền đồng ý. Do 2 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.
Riêng công chức là quản lý, lãnh đạo, Điều 54 Luật Cán bộ, công chức 2008 nêu rõ, công chức lãnh đạo, quản lý có thể từ chức trong các trường hợp: Không đủ sức khỏe; Không đủ năng lực, uy tín; Theo yêu cầu nhiệm vụ; Vì lý do khác.
Sau khi từ chức, công chức lãnh đạo, quản lý được bố trí công tác phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo hoặc nghỉ hưu, thôi việc. Tuy nhiên, nếu chưa được cấp có thẩm quyền đồng ý thì vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 6 Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định của Chính phủ về cán bộ, công chức, viên chức ban hành ngày 10/01/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 46/2010/NĐ-CP ngày 27/4/2010 quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 3 như sau:
“Điều 3. Trường hợp công chức được hưởng chế độ thôi việc
Công chức được hưởng chế độ thôi việc quy định tại Nghị định này trong các trường hợp sau:
1. Theo nguyện vọng và được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền đồng ý.
2. Do 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Cán bộ, công chức.
3. Công chức có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên nghỉ hưu trước tuổi theo nguyện vọng.”.
Như vậy, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định của Chính phủ về cán bộ, công chức, viên chức bổ sung thêm trường hợp công chức hưởng chế độ thôi việc nếu công chức có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên nghỉ hưu trước tuổi theo nguyện vọng
Trợ cấp thôi việc của công chức được tính ra sao?
Căn cứ Điều 5 Nghị định 46/2010/NĐ-CP quy định về trợ cấp thôi việc như sau:
Trợ cấp thôi việc
Công chức thôi việc được hưởng trợ cấp thôi việc như sau: cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 (một phần hai) tháng lương hiện hưởng, gồm: mức lương theo ngạch, bậc, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có). Mức trợ cấp thấp nhất bằng 01 (một) tháng lương hiện hưởng.
Theo Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định của Chính phủ về cán bộ, công chức, viên chức quy định tại khoản 2 Điều 6 như sau:
Sửa đổi, bổ sung Điều 5 như sau:
“Điều 5. Trợ cấp thôi việc
1. Công chức thôi việc theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 3 Nghị định này được hưởng trợ cấp thôi việc như sau: Cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 (một phần hai) tháng lương hiện hưởng, gồm: Mức lương theo ngạch, bậc, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có). Mức trợ cấp thấp nhất bằng 01 (một) tháng lương hiện hưởng.
2. Công chức nghỉ hưu trước tuổi theo nguyện vọng quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định này thì ngoài chế trợ cấp thôi việc quy định tại khoản 1 Điều này và chế độ độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội còn được hưởng các chế độ sau:
a) Được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động;
b) Được nâng bậc lương, nâng ngạch trước thời hạn, cụ thể như sau:
Công chức chưa xếp bậc lương cuối cùng ở ngạch hiện giữ mà trong thời gian giữ bậc luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không bị kỷ luật và tại thời điểm nghỉ hưu trước tuổi còn thiếu từ 01 đến 12 tháng để được nâng bậc lương thường xuyên theo quy định thì được nâng bậc lương trước thời hạn để nghỉ hưu.
Công chức đang hưởng bậc lương cuối cùng hoặc đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch hiện giữ, đã có bằng tốt nghiệp đại học trở lên, không bị kỷ luật trong thời gian 3 năm cuối trước khi nghỉ hưu thì được nâng ngạch không qua thi lên ngạch trên liền kề để nghỉ hưu.”.
Như vậy, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định của Chính phủ về cán bộ, công chức, viên chức quy định thêm trường hợp công chức nghỉ hưu trước tuổi theo nguyện vọng thì ngoài được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc và chế độ hữu trí thì còn được hưởng trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi và được nâng bậc lương, ngạch lương trước thời hạn.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ về cải cách tiền lương toàn bộ cán bộ, công chức viên chức và lực lượng vũ trang dự toán ngân sách như thế nào?
- Chính thức hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo cho cán bộ công chức viên chức và LLVT chuyển xếp lương ra sao?
- Lịch nghỉ Tết Dương lịch 2025, lịch nghỉ tết Âm lịch 2025 chính thức của người lao động do Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể thế nào?
- Chính thức quyết định thưởng Tết 2025 cho người lao động của doanh nghiệp sẽ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc đúng không?