Công ty từ chối yêu cầu nghỉ phép năm của nhân viên thì xử lý như thế nào?
- Công ty có quyền từ chối yêu cầu nghỉ phép năm của người lao động?
- Công ty từ chối yêu cầu nghỉ phép năm dù đã xin nghỉ theo đúng lịch nghỉ phép mà công ty quy định thì giải quyết thế nào?
- Người lao động thôi việc mà chưa nghỉ hết phép năm thì có được nhận tiền lương cho những ngày phép năm chưa nghỉ hết không?
Công ty có quyền từ chối yêu cầu nghỉ phép năm của người lao động?
Tại Điều 113 Bộ luật lao động 2019 có quy định như sau:
Nghỉ hằng năm
1. Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
2. Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
3. Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.
4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.
...
Trong các trường hợp thông thường người lao động sẽ làm đơn xin nghỉ phép để giải quyết nhu cầu của cá nhân. Tuy vậy, do công ty là bên có quyền điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, và người lao động phải tuân thủ sự điều hành đó. Do đó, công ty có quyền quyết định việc nghỉ phép của người lao động.
Công ty có thể từ chối việc xin nghỉ phép của nhân viên nếu hoạt động của công ty có thể bị ảnh hưởng do sự vắng mặt của người đó. Tuy nhiên công ty phải tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động lịch nghỉ. Nhưng quyết định cuối cùng vẫn thuộc về công ty.
Tóm lại, công ty không có quyền từ chối người lao động xin nghỉ phép năm nếu ngày xin nghỉ đúng quy định lịch nghỉ hằng năm mà công ty đã thông báo.
Trường hợp, ngày xin nghỉ phép không thuộc lịch nghỉ hằng năm mà công ty đã thông báo và hoạt động của công ty có thể bị ảnh hưởng do sự vắng mặt của người người lao động thì công ty có thể từ chối yêu cầu xin nghỉ phép của người này.
Công ty từ chối yêu cầu nghỉ phép năm của nhân viên thì xử lý như thế nào? (Hình từ Internet)
Công ty từ chối yêu cầu nghỉ phép năm dù đã xin nghỉ theo đúng lịch nghỉ phép mà công ty quy định thì giải quyết thế nào?
Trường hợp xin nghỉ phép năm đúng quy định lịch nghỉ phép năm mà công ty quy định, nhưng không được chấp thuận, người lao động có thể bảo vệ quyền lợi của mình nhờ các cách sau:
Cách 1. Khiếu nại
Tại Điều 5 Nghị định 24/2018/NĐ-CP có quy định như sau:
Trình tự khiếu nại
1. Khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi của người sử dụng lao động; cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp; doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tổ chức dịch vụ việc làm, tổ chức có liên quan đến hoạt động tạo việc làm cho người lao động; tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người bị xâm phạm thực hiện khiếu nại đến người giải quyết khiếu nại lần đầu theo quy định tại khoản 1 Điều 15, khoản 1 Điều 16, khoản 1 Điều 17 và khoản 1 Điều 18 Nghị định này hoặc khởi kiện tại tòa án theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 10 Nghị định này.
2. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu theo quy định tại Điều 23 hoặc quá thời hạn quy định tại Điều 20 Nghị định này mà khiếu nại không được giải quyết thì người khiếu nại có quyền khởi kiện tại tòa án theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 10 Nghị định này hoặc thực hiện khiếu nại lần hai theo quy định sau đây:
...
Theo đó, người lao động phải thực hiện khiếu nại lần lượt như sau:
- Khiếu nại lần đầu: Tới người sử dụng lao động (Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 24/2018/NĐ-CP)
+ Thời gian thụ lý khiếu nại: 07 ngày làm việc.
+ Thời hạn giải quyết: Không quá 30 ngày hoặc 45 ngày (vụ việc phức tạp), kể từ ngày thụ lý.
Nếu quá thời hạn trên mà không được giải quyết hoặc không đồng ý với việc giải quyết của phía công ty, người lao động có thể khiếu nại lần 2 hoặc khởi kiện tại Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự.
- Khiếu nại lần hai: Tới Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi công ty đặt trụ sở chính (Theo quy định tại Điều 27 Nghị định 24/2018/NĐ-CP)
+ Thời hiệu khiếu nại: 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu.
+ Thời hạn thụ lý: 07 ngày làm việc.
+ Thời hạn giải quyết: 45 ngày hoặc 60 ngày (vụ việc phức tạp), kể từ ngày thụ lý.
Nếu không được giải quyết đúng hạn hoặc không đồng ý với việc giải quyết của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, người lao động có thể khởi kiện tới Tòa án (Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 24/2018/NĐ-CP).
Cách 2. Tố cáo
Người lao động có thể tố cáo vi phạm của công ty đến Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Theo Điều 37 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, người lao động có thể gửi đơn tố cáo hoặc tố cáo trực tiếp với Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, kèm theo đó là các bằng chứng vi phạm của công ty.
Thời hạn giải quyết: Không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo (Theo quy định tại Điều 30 Luật Tố cáo 2018).
Trong quá trình Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xử lý khiếu nại, tố cáo mà xác minh có hành vi vi phạm, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định, đồng thời còn phải giải quyết quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Người lao động thôi việc mà chưa nghỉ hết phép năm thì có được nhận tiền lương cho những ngày phép năm chưa nghỉ hết không?
Tại khoản 3 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Nghỉ hằng năm
...
3. Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.
...
Như vậy, khi người lao động thôi việc thì số ngày nghỉ phép năm chưa nghỉ hết vẫn được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương.
- Từ 7/2/2025, thực hiện cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang, các bộ, cơ quan trung ương khi phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc phải tiết kiệm bao nhiêu phần trăm số chi thường xuyên?
- Gửi Bộ Nội vụ kế hoạch biên chế công chức hằng năm chậm nhất ngày 15/6 đúng không?
- Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi thành lập cho đến nay đã đổi tên mấy lần? Những điều CBCCVC là đảng viên không được làm là gì?
- Chính thức từ ngày 7/2/2025, cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang trong năm 2025 được thu từ những nguồn nào của địa phương?
- Mẫu giấy xác nhận công tác dùng để làm gì? Tải mẫu ở đâu?