Chuyển ngạch công chức là gì? Có được nâng lương khi chuyển ngạch công chức không?
Công chức là ai?
Căn cứ theo Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 quy định như sau:
Cán bộ, công chức
...
2. Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Như vậy, Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan theo quy định nêu trên trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Chuyển ngạch công chức là gì? Có được nâng lương khi chuyển ngạch công chức không?
Thế nào là ngạch công chức?
Căn cứ khoản 4 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức 2008 định nghĩa về ngạch hay ngạch công chức là tên gọi thể hiện thứ bậc về năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức.
Theo đó, có thể hiểu ngạch công chức là chức danh công chức, phân theo từng ngành và thể hiện cấp độ về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đây cũng là căn cứ để bổ nhiệm công chức vào vị trí tương ứng với trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.
Hiện nay có bao nhiêu ngạch công chức?
Căn cứ khoản 1 Điều 42 Luật Cán bộ, công chức 2008 (được bổ sung bởi khoản 7 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019) thì ngạch công chức bao gồm các ngạch từ cao xuống thấp như sau:
- Chuyên viên cao cấp và tương đương;
- Chuyên viên chính và tương đương;
- Chuyên viên và tương đương;
- Cán sự và tương đương;
- Nhân viên.
- Ngạch khác theo quy định của Chính phủ.
Bên cạnh đó, căn cứ khoản 2,3 Điều 42 Luật Cán bộ, công chức 2008 cũng có quy định về việc bổ nhiệm vào ngạch công chức như sau:
Ngạch công chức và việc bổ nhiệm vào ngạch công chức
...
2. Việc bổ nhiệm vào ngạch phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
a) Người được bổ nhiệm có đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch;
b) Việc bổ nhiệm vào ngạch phải đúng thẩm quyền và bảo đảm cơ cấu công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
3. Việc bổ nhiệm vào ngạch công chức được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Người được tuyển dụng đã hoàn thành chế độ tập sự;
b) Công chức trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch;
c) Công chức chuyển sang ngạch tương đương.
Chuyển ngạch công chức là gì? Có được nâng lương khi chuyển ngạch công chức không?
Căn cứ Điều 43 Luật Cán bộ, công chức 2008 có quy định về chuyển ngạch công chức như sau:
Chuyển ngạch công chức
1. Chuyển ngạch là việc công chức đang giữ ngạch của ngành chuyên môn này được bổ nhiệm sang ngạch của ngành chuyên môn khác có cùng thứ bậc về chuyên môn, nghiệp vụ.
2. Công chức được chuyển ngạch phải có đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch được chuyển và phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
3. Công chức được giao nhiệm vụ không phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch công chức đang giữ thì phải được chuyển ngạch cho phù hợp.
4. Không thực hiện nâng ngạch, nâng lương khi chuyển ngạch.
Đồng thời, Điều này được hướng dẫn thêm bởi Điều 29 Nghị định 138/2020/NĐ-CP như sau:
Chuyển ngạch công chức
1. Việc chuyển ngạch được thực hiện khi công chức thay đổi vị trí việc làm mà ngạch công chức đang giữ không phù hợp với yêu cầu ngạch công chức của vị trí việc làm mới.
2. Người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức căn cứ quy định tại Điều 43 Luật Cán bộ, công chức, đề nghị cơ quan quản lý công chức quyết định chuyển ngạch công chức hoặc quyết định theo thẩm quyền phân cấp.
Như vậy, chuyển ngạch công chức được hiểu là việc công chức đang giữ ngạch của ngành chuyên môn này được bổ nhiệm sang ngạch của ngành chuyên môn khác có cùng thứ bậc về chuyên môn, nghiệp vụ.
Đồng thời, theo quy định nêu trên thì sẽ không thực hiện nâng lương khi chuyển ngạch công chức.
Công chức được nâng bậc lương thường xuyên cần đáp ứng tiêu chuẩn gì?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 2 Thông tư 08/2013/TT-BNV, được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Thông tư 03/2021/TT-BNV có quy định như sau:
Chế độ nâng bậc lương thường xuyên
Đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư này, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch công chức (sau đây gọi là ngạch), trong chức danh nghề nghiệp viên chức, chức danh chuyên gia cao cấp và chức danh chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát (sau đây gọi là chức danh) hiện giữ, thì được xét nâng một bậc lương thường xuyên khi có đủ điều kiện thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh và đạt đủ tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này trong suốt thời gian giữ bậc lương như sau:
...
2. Tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên:
Đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư này có đủ điều kiện thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh quy định tại Khoản 1 Điều này và qua đánh giá đạt đủ 02 tiêu chuẩn sau đây trong suốt thời gian giữ bậc lương thì được nâng một bậc lương thường xuyên:
a) Đối với cán bộ, công chức:
- Tiêu chuẩn 1: Được cấp có thẩm quyền đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức từ hoàn thành nhiệm vụ trở lên;
- Tiêu chuẩn 2: Không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức.
...
Theo đó để nâng bậc lương thường xuyên, công chức phải đáp ứng đủ 02 tiêu chuẩn sau:
- Được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên;
- Không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức.
- Tổng hợp các Bộ luật Lao động qua các thời kỳ cụ thể ra sao?
- NLĐ có được thỏa thuận để nhận việc về làm tại nhà không?
- Bầu cử tại đại hội công đoàn bằng hình thức biểu quyết giơ tay trong trường hợp nào?
- Mẫu thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động 2025 khi chưa hết thời hạn hợp đồng thế nào?
- Công ty yêu cầu thử việc đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng có bị phạt không?