Cách tính tiền trợ cấp thai sản chi tiết khi sinh con từ 1/7/2025?
Những ai được hưởng chế độ thai sản khi sinh con?
Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã được thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.
Theo đó, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã bổ sung thêm chế độ thai sản đối với người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện.
Vì thế, từ ngày 01/7/2025, người tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện đều sẽ được hưởng chế độ thai sản.
*Đối với người tham gia BHXH bắt buộc:
Khoản 1 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định những người lao động được hưởng chế độ thai sản khi tham gia BHXH bắt buộc bao gồm:
- Lao động nữ mang thai;
- Lao động nữ sinh con;
- Lao động nữ mang thai hộ;
- Lao động nữ nhờ mang thai hộ;
- Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
- Người lao động sử dụng các biện pháp tránh thai mà các biện pháp đó phải được thực hiện tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
- Lao động nam đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc có vợ sinh con, vợ mang thai hộ sinh con.
Như vậy, lao động nữ sinh con và lao động nam đang tham gia BHXH bắt buộc có vợ sinh con là những người được hưởng chế độ thai sản khi sinh con.
*Đối với người tham gia BHXH tự nguyện:
Căn cứ theo khoản 1 Điều 94 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, đối tượng được hưởng chế độ thai sản BHXH tự nguyện bao gồm:
- Lao động nữ sinh con;
- Lao động nam có vợ sinh con.
Như vậy, đối với BHXH tự nguyện, chế độ thai sản chỉ áp dụng cho trường hợp lao động nữ sinh con và lao động nam có vợ sinh con.
Cách tính tiền trợ cấp thai sản chi tiết khi sinh con từ 1/7/2025
Điều kiện được hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con là gì?
*Đối với người tham gia BHXH bắt buộc:
Lao động nữ:
- Lao động nữ sinh con phải đóng BHXH bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con.
- Lao động nữ sinh con đã đóng BHXH bắt buộc từ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ thuộc cơ sở khám chữa bệnh thì phải đóng BHXH bắt buộc từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
- Lao động nữ sinh con phải đóng BHXH bắt buộc từ đủ 12 tháng trở lên trong 24 tháng trước khi sinh con đối với trường hợp phải nghỉ việc để điều trị vô sinh.
(Khoản 2, khoản 3 và khoản 5 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội 2024)
Lao động nam: đang tham gia BHXH bắt buộc có vợ sinh con, vợ mang thai hộ sinh con.
*Đối với người tham gia BHXH tự nguyện:
Theo khoản 1 Điều 94 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, điều kiện được hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con là phải có thời gian đóng BHXH tự nguyện hoặc vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện từ đủ 06 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con.
Cách tính tiền trợ cấp thai sản chi tiết khi sinh con từ 1/7/2025?
*Đối với người tham gia BHXH bắt buộc:
1- Trợ cấp một lần khi sinh con
Khoản 1 Điều 58 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định:
- Lao động nữ sinh con có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 hoặc khoản 5 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 thì được trợ cấp một lần khi sinh con.
- Lao động nữ sinh con nhưng không đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 hoặc khoản 5 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 mà người chồng có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 thì người chồng được trợ cấp một lần.
*Mức tiền trợ cấp một lần cho mỗi con:
Bằng 02 lần mức tham chiếu tại tháng lao động nữ sinh con
Theo Điều 7 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, mức tham chiếu là mức tiền do Chính phủ quyết định.
Mức tham chiếu sẽ được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ BHXH.
Công thức tính tiền trợ cấp một lần khi sinh con:
Tiền trợ cấp một lần = Mức tham chiếu x 2
Hiện tại, Chính phủ vẫn chưa công bố mức tham chiếu chính thức. Tuy nhiên, theo khoản 13 Điều 141 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định:
Quy định chuyển tiếp
13. Khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở thì mức tham chiếu quy định tại Luật này bằng mức lương cơ sở. Tại thời điểm mức lương cơ sở bị bãi bỏ thì mức tham chiếu không thấp hơn mức lương cơ sở đó.
Hiện nay mức lương cơ sở vẫn chưa bị bãi bỏ, do đó mức tham chiếu hiện tại sẽ được tính bằng với mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng.
Như vậy, trợ cấp một lần khi sinh con đối với mức tham chiếu bằng mức lương cơ sở sẽ là:
2.340.000 đồng x 2 = 4.680.000 đồng
Lưu ý: Chỉ có người vợ được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con, trường hợp vợ không đủ điều kiện hưởng mà chồng đủ điều kiện hưởng thì chồng mới được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con.
2- Trợ cấp thai sản
*Mức hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con
Căn cứ theo Điều 59 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định:
- Trợ cấp thai sản một tháng của lao động nữ sinh con và lao động nam có vợ sinh con bằng 100% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc của 06 tháng gần nhất trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
- Đối với trường hợp đóng BHXH bắt buộc chưa đủ 06 tháng thì trợ cấp thai sản là mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của các tháng đã đóng.
- Trợ cấp thai sản một ngày được tính bằng trợ cấp thai sản một tháng chia cho 24 ngày.
*Số ngày được nghỉ việc hưởng thai sản:
Lao động nữ: Được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. (Điều 139 Bộ luật Lao động 2019)
Lao động nam: Được nghỉ khi vợ sinh con với thời gian như sau:
- 05 ngày làm việc;
- 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi;
- Vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc. Trường hợp sinh ba trở lên thì được nghỉ thêm 03 ngày làm việc cho mỗi con tính từ con thứ ba trở đi;
- Vợ sinh đôi phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc. Trường hợp sinh ba trở lên phải phẫu thuật thì được nghỉ thêm 03 ngày làm việc cho mỗi con tính từ con thứ ba trở đi.
(Khoản 2 Điều 53 Luật Bảo hiểm xã hội 2024)
Ví dụ:
- Từ tháng đầu tháng 10/2025 đến hết tháng 01/2026 (4 tháng) đóng BHXH với mức lương 5.000.000 đồng/tháng;
- Từ đầu tháng 02/2026 đến hết tháng 3/2026 (2 tháng) đóng BHXH với mức lương 6.500.000 đồng/tháng.
=> Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc:
((5.000.000 x 4) + (6.500.000 x 2))/6 = 5.500.000 (đồng/tháng)
=> Tổng mức hưởng trợ cấp thai sản là:
Đối với trường hợp lao động nữ sinh 01 con:
5.500.000 đồng x 6 = 33.000.000 đồng
Đối với trường hợp lao động nữ sinh 02 con:
5.500.000 đồng x 7 = 38.500.000 đồng
(Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của lao động nữ sinh con là 06 tháng, cứ thêm một con sẽ được tăng thêm 01 tháng nghỉ việc)
Đối với trường hợp lao động nam có vợ sinh thường (01 con):
(5.500.000 đồng/24) *5 = 1.145.000 đồng
Đối với trường hợp lao động nam có vợ sinh mổ hoặc sinh non dưới 32 tuần tuổi (01 con):
(5.500.000 đồng/24) *7 = 1.604.000 đồng
Đối với trường hợp lao động nam có vợ sinh thường (02 và 03 con):
(5.500.000 đồng/24) *10 = 2.291.000 đồng
(5.500.000 đồng/24) *13 = 2.979.000 đồng
Đối với trường hợp lao động nam có vợ sinh mổ (02 và 03 con):
(5.500.000 đồng/24) *14 = 3.208.000 đồng
(5.500.000 đồng/24) *17 = 3.895.000 đồng
Lưu ý: Cả vợ và chồng đều được hưởng khoản trợ cấp này.
*Đối với người tham gia BHXH tự nguyện:
Mức hưởng trợ cấp thai sản đối với người tham gia BHXH tự nguyện là 2.000.000 đồng cho mỗi con được sinh ra.
Trường hợp lao động nữ là người dân tộc thiểu số hoặc lao động nữ là người dân tộc Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo khi sinh con còn được hưởng chính sách hỗ trợ khác theo quy định của Chính phủ.
(Điều 95 Luật Bảo hiểm xã hội 2024)
Lưu ý:
- Chỉ vợ hoặc chồng được hưởng khoản trợ cấp này nếu cả hai đều đủ điều kiện nhận trợ cấp theo BHXH tự nguyện.
- Trường hợp vợ đủ điều kiện hưởng trợ cấp theo BHXH bắt buộc, chồng đủ điều kiện hưởng trợ cấp theo BHXH tự nguyện thì vợ được hưởng trợ cấp theo BHXH bắt buộc, chồng được hưởng trợ cấp theo BHXH tự nguyện.
- Trường hợp vợ đủ điều kiện hưởng trợ cấp theo BHXH tự nguyện, chồng đủ điều kiện hưởng trợ cấp theo BHXH bắt buộc thì vợ được hưởng trợ cấp theo BHXH tự nguyện, chồng được hưởng trợ cấp theo BHXH bắt buộc.
Trên đây là cách tính tiền trợ cấp thai sản theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Luật Bảo hiểm xã hội 2024 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.
- Từ 7/2/2025, thực hiện cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang, các bộ, cơ quan trung ương khi phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc phải tiết kiệm bao nhiêu phần trăm số chi thường xuyên?
- Chính thức từ ngày 7/2/2025, cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang trong năm 2025 được thu từ những nguồn nào của địa phương?
- Mẫu giấy xác nhận công tác dùng để làm gì? Tải mẫu ở đâu?
- Những loại hợp đồng lao động nào được pháp luật Việt Nam công nhận?
- Vì sao lấy ngày 3/2 là ngày thành lập Đảng? Vào ngày thành lập Đảng người lao động có được nghỉ làm hưởng nguyên lương không?