Cách tính bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động cao tuổi như thế nào?
Người lao động cao tuổi có phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp hay không?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật Việc làm 2013, đối với trường hợp đang hưởng lương hưu nhưng vẫn đi làm thì người lao động cao tuổi không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Hiện nay, Bộ luật Lao động 2019 đã không còn hợp đồng lao động theo mùa vụ, thay vào đó, loại hợp đồng này sẽ được nhập chung vào hợp đồng xác định thời hạn. Đồng thời, thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động là thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 28/2015/NĐ-CP.
Do đó, nếu người lao động cao tuổi không hưởng lương hưu thì vẫn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi đi làm và giao kết hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 tháng trở lên.
Cách tính bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động cao tuổi như thế nào? (Hình từ Internet)
Người lao động cao tuổi có được nhận trợ cấp thất nghiệp khi nghỉ việc hay không?
Theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm 2013, người lao động khi đáp ứng đủ các điều kiện sẽ được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp sau khi chấm dứt hợp đồng lao động. Trong đó, quy định về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng loại trừ việc chi trả trợ cấp thất nghiệp đối với 02 trường hợp sau đây:
- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
- Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
Như vậy, nếu đã được giải quyết hưởng lương hưu hằng tháng thì người lao động cao tuổi sẽ không được cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp thất nghiệp khi nghỉ việc.
Lưu ý: Nếu chưa hưởng lương hưu hằng tháng, người lao động cao tuổi vẫn được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp khi nghỉ việc nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Chấm dứt hợp đồng lao động, trừ các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật;
- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động xác định và không xác định thời hạn
- Đã đăng ký thất nghiệp và nộp hồ sơ hưởng trợ cấp tại Trung tâm dịch vụ việc làm.
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
+ Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
+ Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
+ Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
+ Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
+ Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
+ Chết.
Cách tính bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động cao tuổi như thế nào?
Theo quy định tại Điều 42 Luật Việc làm 2013, bảo hiểm thất nghiệp có 4 chế độ hỗ trợ người lao động khi thất nghiệp, đó là:
- Trợ cấp thất nghiệp.
- Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm.
- Hỗ trợ Học nghề.
- Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Bảo hiểm thất nghiệp là thuật ngữ dùng chung, do đó không có cách tính bảo hiểm thất nghiệp mà chỉ có cách tính của chế độ trợ cấp thất nghiệp trong bảo hiểm thất nghiệp.
Đồng thời, Luật Việc làm 2013 cũng quy định cách tính trợ cấp thất nghiệp (hay cách tính bảo hiểm thất nghiệp) áp dụng cho toàn bộ người lao động được nhận khi đáp ứng đủ điều kiện mà không phân biệt người lao động cao tuổi hay người lao động trong độ tuổi lao động.
Do đó, căn cứ Điều 50 Luật Việc làm 2013 và khoản 1 Điều 8 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH, cách tính trợ cấp thất nghiệp cho người lao động cao tuổi sẽ được thực hiện theo công thức sau:
Trợ cấp thất nghiệp/ tháng = 60% mức bình quân của tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp 6 tháng liền kề trước đó
Trong đó: Mức trợ cấp thất nghiệp tối đa như sau:
- Đối với người lao động hưởng lương bậc lương do Nhà nước quy định:
Mức trợ cấp thất nghiệp tối đa/tháng = 5 x Lương cơ sở = 5 x 1,8 triệu đồng = 9 triệu đồng/tháng
- Đối với người lao động làm việc tại doanh nghiệp thông thường:
Mức trợ cấp thất nghiệp tối đa/tháng = 5 x Mức lương tối thiểu vùng
Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng đang được áp dụng theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP như sau:
Vùng | Mức lương tối thiểu vùng (đồng/tháng) | Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa (đồng/tháng) |
Vùng I | 4.680.000 | 23.400.000 |
Vùng II | 4.160.000 | 20.800.000 |
Vùng III | 3.640.000 | 18.200.000 |
Vùng IV | 3.250.000 | 16.250.000 |
- Trong trường hợp trước khi thất nghiệp, người lao động có 6 tháng liền kề trước đó bị gián đoạn đóng bảo hiểm thất nghiệp thì 6 tháng liền kề để tính bảo hiểm thất nghiệp là bình quân tiền lương 6 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.
- Tổng hợp các Bộ luật Lao động qua các thời kỳ cụ thể ra sao?
- NLĐ có được thỏa thuận để nhận việc về làm tại nhà không?
- Bầu cử tại đại hội công đoàn bằng hình thức biểu quyết giơ tay trong trường hợp nào?
- Mẫu thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động 2025 khi chưa hết thời hạn hợp đồng thế nào?
- Công ty yêu cầu thử việc đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng có bị phạt không?