Bị tai nạn lao động được nghỉ bao nhiêu ngày?
Bị tai nạn lao động được nghỉ bao nhiêu ngày?
Tại Điều 54 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 có quy định như sau:
Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật
1. Người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp, trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày cho một lần bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
...
2. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe quy định tại khoản 1 Điều này do người sử dụng lao động và Ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:
a) Tối đa 10 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên;
b) Tối đa 07 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 31% đến 50%;
c) Tối đa 05 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 15% đến 30%.
...
Khi không may bị tai nạn lao động, người lao động sẽ được nghỉ làm để điều trị, phục hồi chức năng lao động. Sau khi đã điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động, người lao động còn có thể nghỉ thêm chế độ dưỡng sức, phục hồi thương tật.
Thời gian nghỉ đối với từng giai đoạn điều trị, dưỡng sức, phục hồi thương tật được xác định như sau:
(1) Nghỉ điều trị, phục hồi chức năng lao động
Hiện không có quy định cụ thể về thời gian tối đa được nghỉ để điều trị tai nạn lao động. Thời gian nghỉ điều trị, phục hồi chức năng lao động dài hay ngắn còn phụ thuộc vào thương tật do tai nạn lao động mà người lao động mắc phải.
(2) Nghỉ dưỡng sức, phục hồi thương tật:
Sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động và trở lại làm việc mà trong 30 ngày đầu sức khỏe chưa phục hồi thì người lao động sẽ được giải quyết nghỉ dưỡng sức, phục hồi từ 05 - 10 ngày/lần bị tai nạn lao động. Cụ thể như sau:
- Tối đa 10 ngày: Trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên.
- Tối đa 07 ngày: Trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 31% - 50%.
- Tối đa 05 ngày: Trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 15% - 30%.
Bị tai nạn lao động được nghỉ bao nhiêu ngày? (Hình từ Internet)
Người lao động có được hưởng lương trong thời gian nghỉ điều trị tai nạn lao động hay không?
Nếu tai nạn mà người lao động gặp phải được xác định là tai nạn lao động thì tiền lương trong thời gian nghỉ điều trị sẽ được giải quyết theo khoản 3 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 như sau:
Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
...
3. Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;
..
Và theo khoản 10 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015:
Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
...
10. Tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp, tiền lương trả cho người lao động nghỉ việc do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này là tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.
..
Theo đó, khi nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng do tai nạn lao động, người lao động vẫn sẽ được nhận đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Khoản tiền lương được nhận trong thời gian nghỉ phép tai nạn lao động sẽ bao gồm cả mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác mà các bên đã thỏa thuận.
Tuy nhiên, trường hợp xác định người lao động bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc đến nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý, nếu do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì người sử dụng lao động trợ cấp cho người lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015.
Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 không quy định bắt buộc người sử dụng lao động phải chi trả chi phí y tế, tiền lương trong thời gian điều trị tại trường hợp tai nạn nêu trên.
(Công văn 2704/LĐTBXH-ATLĐ năm 2019 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
Người lao động có được đóng bảo hiểm cho thời gian nghỉ việc do tai nạn lao động?
Tại khoản 4 Điều 42 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 có quy định như sau:
Quản lý đối tượng
...
4. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH.
...
Như vậy, người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH.
Cho nên người lao động vẫn được nhận lương từ người sử dụng lao động khi đang trong thời gian điều trị tai nạn lao động thì người lao động vẫn phải tham gia đóng bảo hiểm xã hội bình thường.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Chốt lương hưu tháng 1 năm 2025: chi tiết lịch chi trả và mức hưởng tính như thế nào?
- Chốt lịch chi trả lương hưu tháng 1, tháng 2/2025 nhận gộp vào ngày nào?
- Chỉ thị mới về chính sách cải cách tiền lương của cán bộ, công chức viên chức: Cần tiếp tục thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên có đúng không?
- Khi nào thì chính thức tăng lương hưu cho người lao động?