Báo giảm BHXH khi nào thì bị truy thu BHYT?
Công ty phải thực hiện báo giảm lao động trong trường hợp nào?
Tại Điều 98 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định:
Điều chỉnh thông tin tham gia bảo hiểm xã hội
1. Người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản với cơ quan bảo hiểm xã hội khi có thay đổi thông tin tham gia bảo hiểm xã hội.
2. Hồ sơ điều chỉnh thông tin cá nhân của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bao gồm:
a) Tờ khai điều chỉnh thông tin cá nhân;
b) Sổ bảo hiểm xã hội;
c) Bản sao giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến việc điều chỉnh thông tin cá nhân theo quy định của pháp luật.
Theo đó, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản với cơ quan bảo hiểm xã hội khi có thay đổi thông tin tham gia bảo hiểm xã hội.
Theo nội dung hướng dẫn về quy trình báo giảm lao động được quy định tại Thủ tục 1.3 Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 896/QĐ-BHXH năm 2021, doanh nghiệp phải báo giảm lao động trong những trường hợp sau đây:
- Người lao động chuyển đi; nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc;
- Người lao động nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (hưu trí, bảo lưu, ốm đau, thai sản);
- Người lao động nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, ngừng việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng.
Báo giảm BHXH khi nào thì bị truy thu BHYT?
Báo giảm BHXH khi nào thì bị truy thu BHYT?
Tại tiểu mục 9.6 và 9.7 Mục 9 Công văn 1734/BHXH-QLT năm 2017 có hướng dẫn như sau:
Quy định về cấp và quản lý thẻ BHYT
...
9.6. Người lao động nghỉ ốm đau dài ngày hoặc nghỉ hưởng chế độ hưu trí, thẻ BHYT đã cấp tiếp tục được sử dụng đến hết tháng đơn vị có báo giảm. Cơ quan BHXH căn cứ danh sách báo giảm để lập Danh sách người chỉ tham gia BHYT (Mẫu D03-TS) theo đối tượng ốm đau dài ngày hoặc đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng. Thẻ BHYT mới có giá trị sử dụng từ ngày đầu của tháng kế tiếp của tháng báo giảm.
9.7. Khi có phát sinh giảm người lao động, đơn vị phải kịp thời lập danh sách báo giảm gửi cơ quan BHXH qua hệ thống giao dịch điện tử ngay trong tháng (tính đến ngày cuối cùng của tháng đó). Nếu báo giảm sau ngày cuối cùng của tháng giảm thì phải phải đóng hết giá trị thẻ BHYT của tháng kế tiếp và thẻ có giá trị sử dụng hết tháng đó. Cơ quan BHXH không thu hồi thẻ các trường hợp báo giảm.
Ví dụ: Người lao động thôi việc 28/07/2017, đơn vị báo giảm vào ngày 01/08/2017 thì đóng BHYT hết tháng 8/2017; không đóng BHXH, BHTN tháng 8/2017.
...
Theo quy định trên, khi có phát sinh giảm người tham gia BHXH, BHYT, BHTN đơn vị phải kịp thời lập danh sách báo giảm lao động gửi cho cơ quan BHXH.
Trường hợp đơn vị lập danh sách điều chỉnh giảm chậm, đơn vị phải đóng số tiền truy thu BHYT của các tháng báo giảm chậm và thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết các tháng đó.
Để không phải đóng số tiền truy thu BHYT của tháng báo giảm, đơn vị phải báo giảm tại thời điểm của tháng trước liền kề của tháng báo giảm lao động.
Ví dụ: Đơn vị báo giảm lao động của tháng 9/2017, đơn vị phải gửi danh sách điều chỉnh giảm cho cơ quan BHXH trước ngày 31/8/2017 thì không phải đóng số tiền truy thu BHYT tháng 9. Còn nếu gửi danh sách báo giảm cho cơ quan BHXH sau ngày 31/8/2017 thì đóng số tiền truy thu BHYT hết tháng 9/2017 và thẻ BHYT còn giá trị đến hết ngày 30/9/2017. Cơ quan BHXH không thu hồi thẻ BHYT khi đơn vị báo giảm.
Người lao động không có phải đóng các khoản chi phí bị truy thu BHYT khi công ty chậm báo giảm BHXH không?
Tại điểm 2.1 khoản 2 Điều 50 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 có quy định như sau:
Trách nhiệm của người tham gia, đơn vị, Tổ chức dịch vụ
...
2.1. Đơn vị
a) Thực hiện lập, nộp hồ sơ; trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo đúng quy trình, quy định tại Văn bản này và quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Trường hợp đơn vị lập danh sách báo giảm chậm, đơn vị phải đóng số tiền BHYT của các tháng báo giảm chậm và thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết các tháng đó.
...
Theo đó, công ty sẽ bị truy thu BHYT khi chậm báo giảm BHXH và sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nộp tiền BHYT cho những tháng báo chậm. Bên cạnh đó, người lao động không có nghĩa vụ phải đóng các khoản chi phí bị truy thu BHYT khi báo giảm muộn này.
Theo quy định tại Điều 18 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, mức đóng bảo hiểm y tế là 4,5%, trong đó:
- Người lao động đóng 1,5%
- Người sử dụng lao động đóng 3%
Điều đó có nghĩa là, công ty sẽ phải đóng toàn bộ 4,5% vào quỹ BHYT cho người lao động trong tháng báo giảm chậm.
Ví dụ: Mức lương của người lao động là 8.000.000 đồng. Người lao động ở đơn vị đã nghỉ việc vào tháng 3/2024 nhưng mãi đến tháng 06/2024 công ty mới lập hồ sơ báo giảm thì:
Đơn vị sẽ bị truy thu tiền BHYT của các tháng 3,4,5,6 năm 2024.
Mức truy thu là 4,5% * 8.000.000 * 4 tháng = 1.440.000 đồng.
Tải biểu mẫu báo giảm lao động cho doanh nghiệp ở đâu?
Hiện nay, việc lập Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN được thực hiện Mẫu D02-LT được ban hành kèm Quyết định 1040/QĐ-BHXH năm 2020 dùng thay thế cho Mẫu D02-TS ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, cụ thể như sau:
Tải Mẫu d02 lt: Tại đây
- Black Friday là ngày nào 2024? Black Friday 2024 kéo dài bao lâu? Người lao động có được nghỉ làm hưởng nguyên lương vào ngày này không?
- Lễ Tạ Ơn là thứ mấy? Đây có phải là ngày lễ lớn của người lao động không?
- Từ 1/7/2025, chính sách tăng lương hưu mới có hiệu lực sẽ thực hiện tăng lương hưu cho CBCCVC và người lao động có đúng không?
- Tăng lương hưu lần 3 cho đối tượng nào theo Luật Bảo hiểm xã hội mới quy định?
- Chính thức kết luận của Phó Thủ tướng: Mức lương cơ sở mới của toàn bộ cán bộ công chức viên chức và lực lượng vũ trang tác động đến chỉ số CPI như thế nào tại Thông báo 511?