Ông Nguyễn Văn Nang (tỉnh Hậu Giang) đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn cách tính định mức giờ dạy của giáo viên mầm non theo Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC. Theo ông Nang phản ánh, định mức giờ dạy của giáo viên mầm non quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC như sau:
Tiền lương 1 giờ dạy = (Tổng tiền lương của 12 tháng trong năm học/Định mức giờ dạy trên năm) x (Số tuần dành cho giảng dạy (dạy trẻ)/52 tuần).
Tuy nhiên hiện nay tại nhiều tỉnh trong cả nước có 2 cách tính cho Định mức giờ dạy/năm cho giáo viên mầm non như sau:
Cách 1: Định mức giờ dạy = 8 giờ/ngày x 5 ngày/tuần x 35 tuần thực dạy.
Cách này thực hiện theo Điều 4 Thông tư số 48/2011/TT-BGDĐT. Theo đó, căn cứ Khoản 1 Điều này thì giờ dạy của giáo viên: Đối với giáo viên dạy các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày, mỗi giáo viên dạy trên lớp đủ 6 giờ/ngày và thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp cũng như các công việc khác do Hiệu trưởng quy định để quy đổi bảo đảm làm việc 40 giờ/tuần. Tức giờ dạy/ngày của giáo viên mầm non là 8 giờ/ngày.
Cách 2: Định mức giờ dạy = 6 giờ/ngày x 5 ngày/tuần x 35 tuần thực dạy.
Cách này thực hiện theo Điều 4 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC. Căn cứ Điểm đ, Khoản 1 thì: Định mức giờ dạy/năm được tính theo quy định tại các văn bản quy định tại Khoản 1, Điều 2 của Thông tư liên tịch này. Cụ thể như sau: Định mức giờ dạy/năm của giáo viên mầm non = (Số giờ dạy trẻ học 2 buổi/ngày) x (Số ngày làm việc/tuần) x (Số tuần dạy trẻ/năm học). Như vậy, giờ dạy/ngày của giáo viên mầm non là: 6 giờ/ngày.
Ông Nang hỏi, số giờ dạy trẻ học 2 buổi/ngày sẽ được hiểu như thế cho đúng, là 8 giờ dạy/ngày hay là 6 giờ dạy/ngày?