
Thực hiện chủ trương chuẩn hoá trạm xá xã trên phạm vi toàn quốc, phường T thành phố N được Uỷ ban nhân dân thành phố quyết định hỗ trợ đất để làm trạm xá phường cùng với 50% kinh phí để xây dựng, số kinh phí còn lại giao cho phường tự lo liệu. Qua xem xét và điều chỉnh ngân sách, Uỷ ban nhân dân phường T chỉ có thể trích từ ngân sách 20% kinh phí xây dựng trạm xá, còn lại 30% huy động trong nhân dân. Kế hoạch huy động kinh phí từ dân đã được thống nhất trong cấp uỷ và chính quyền. Tuy nhiên, khi tổ chức thông báo đến từng tổ dân phố để thảo luận về chủ trương và mức huy động đóng góp của các hộ dân thì đa số dân không đồng ý đóng góp. Chỉ có 9/21 tổ dân phố biểu quyết tán thành việc đóng góp. Các tổ dân phố còn lại đều không nhất trí với chủ trương xây trạm xá với lý do cho rằng không cần thiết, vì có bệnh viện tỉnh ngay trên địa bàn phường. Hơn nữa từ thành phố N ra các bệnh viện trung ương cũng không xa lắm. Nhìn chung chỉ có một số hộ nghèo mới tán thành việc xây trạm xá. Trước sức ép thực hiện chỉ tiêu “chuẩn hoá” trạm xá xã của toàn tỉnh, mặt khác cho rằng nếu không tranh thủ thời cơ sẽ bỏ lỡ dịp được cấp đất cũng như kinh phí hỗ trợ từ thành phố nên Đảng uỷ và chính quyền phường T quyết định vẫn xây trạm xá, tuy nhiên không thu tiền dân nữa mà đi vận động các hộ, chủ yếu là các hộ kinh doanh cũng như các doanh nghiệp đóng trên địa bàn phường - để có đủ 20% số kinh phí cần thu thêm. Nếu Uỷ ban nhân dân phường T quyết định triển khai phương án này thì có đúng quy định pháp luật hay không?