Khi nào thì phạm tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức?
Luật gia Trần Thị Thanh Tình - Công ty Luật TNHH Everest trả lời:
Khoản 1 Điều 267 Bộ luật Hình sự năm 1999, quy định: “Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Như vậy có thể hiểu, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức (bị coi là tội phạm) là hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân.
- Tội phạm thể hiện qua các hành vi sau:
(i): Hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức. Đây là hành vi bằng những thủ đoạn khác nhau để tạo ra một, một số những đối tượng nói trên một cách trái phép.
(ii): Hành vi sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân. Đây là hành vi của người biết đối tượng mà mình sử dụng để nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức, công dân. Ví dụ: Dùng bằng giả để xin việc, dùng giấy chứng nhận sức khỏe giả để hoàn tất hồ sơ xin đi xuất khẩu lao động…
Tội phạm này được thực hiện do lỗi cố ý. Động cơ, mục đích phạm tội mang tính chất cá nhân. Ở hành vi sử dụng con dất, giấy tờ giả phải có mục đích nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân mới cấu thành tội phạm này được.
Người phạm tội phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự và có độ tuổi từ đủ 16 trở lên.
Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức là hành vi nguy hiểm cho xã hội đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự bởi, hành vi này xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính thuộc lĩnh vực làm ra, quản lý, sử dụng con dấu, giấy chứng nhận, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức là tội ít nghiêm trọng, với khung hình phạt (cơ bản) là bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp có tổ chức; phạm tội nhiều lần; gây hậu quả nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bốn năm đến bảy năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hướng dẫn xếp lương giáo viên THCS theo Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT?
- Mẫu Biên bản kiểm phiếu đánh giá hồ sơ đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp nhiệm vụ bảo vệ môi trường 2024?
- Đối tượng được đặc cách tốt nghiệp THPT 2025 chi tiết mới nhất?
- Mẫu phiếu phúc tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự Thông tư 105?
- Mẫu Báo cáo định kỳ tình hình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường mới nhất là mẫu nào? Tải về mẫu báo cáo?