Không cứu giúp người bị tai nạn giao thông bị xử lý thế nào?
Theo Luật Giao thông đường bộ, những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn; người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu. Các xe được quyền ưu tiên, xe chở người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự không bắt buộc thực hiện quy định tại khoản này.
Tổ chức, cá nhân không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 3, Điều 11 Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cụ thể như:
"Phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Sử dụng đường bộ trái quy định để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội;
b) Dựng cổng chào hoặc các vật che chắn khác trong phạm vi đất dành cho đường bộ gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ;
c) Treo băng-rôn, biểu ngữ trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ;
d) Đặt, treo biển quảng cáo trên đất của đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị;
đ) Không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu;
e) Đổ rác, xả nước thải ra đường phố, hầm đường bộ không đúng nơi quy định, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều này, Khoản 5 Điều 20 Nghị định này."
Việc không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng khi có đủ các dấu hiệu thỏa mãn sẽ cấu thành tội phạm. Đó là: Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. (Quy định tại Điều 102 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009).
"Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng
1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:
a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;
b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm."
Tuy nhiên trong thực tế, việc xử lý người phạm tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng còn nhiều khó khăn bởi lẽ phải xem xét cẩn trọng các điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi không cứu giúp và hậu quả chết người.
Người có hành động không cứu giúp người khác trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng phải nhận thức được tình trạng nguy hiểm của nạn nhân thì mới phạm tội này. Nếu người đó nhận thức nạn nhân chưa phải trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng hoặc hoàn cảnh khách quan thể hiện điều đó nhưng hậu quả nạn nhân vẫn chết thì không phạm tội.
Như vậy, theo pháp luật Việt Nam hành vi bỏ mặc người bị tai nạn giao thông của người đàn ông này đã vi phạm điểm đ khoản 3 điều 11 của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ. Mức xử phạt anh ta phải nhận từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Ngoài ra, việc không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng khi có đủ các dấu hiệu thỏa mãn sẽ cấu thành tội phạm quy định tại Điều 102 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Gia Huy
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- 9 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm lịch? NLĐ được nghỉ làm ngày này không?
- Có thể trả tiền thuê đất hằng năm đối với đất nuôi trồng thủy sản không?
- Hiệu trưởng công lập có được điều hành dạy thêm ngoài trường học không?
- Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh theo Nghị định 168?