Vì sao đề xuất lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 là 9 ngày liên tục?
Vì sao đề xuất nghỉ 9 ngày trong dịp Tết Nguyên đán 2025?
Căn cứ Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Điều 112. Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.
Như vậy, theo quy định trên thì người lao động sẽ được nghỉ làm và được hưởng nguyên lương dịp Tết nguyên đán 2025 người lao động sẽ được nghỉ hưởng nguyên lương là 05 ngày.
Ngoài ra, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong báo cáo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ làm rõ phương án đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán 2025 kéo dài 9 ngày liên tục.
Căn cứ khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong dịp tết Âm lịch là 5 ngày.
Bên cạnh đó, Điều 1 Quyết định số 188/1999/QĐ-TTg quy định chế độ tuần làm việc đối với công chức, viên chức là 40 giờ trong 5 ngày, nghỉ thứ Bảy, Chủ Nhật.
Theo đó, phương án Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã đề xuất tại Công văn 5152/LĐTBXH-CATLĐ dịp nghỉ tết Âm lịch công chức, việc chức được nghỉ 5 ngày liên tục trong 1 tuần từ thứ Hai ngày 27/1/2025 đến hết thứ Sáu 31/1/2025 là đúng quy định của Bộ luật Lao động 2019 và các quy định của Chính phủ.
Do đặc điểm năm 2025, trước và sau ngày nghỉ Tết Âm lịch đều là thứ Bảy và Chủ nhật, đây đều là ngày nghỉ hằng tuần của công chức, viên chức. Cho nên, công chức, viên chức được nghỉ 5 ngày nghỉ tết Âm lịch và 4 ngày nghỉ hằng tuần.
Khác với các năm trước, tại tờ trình lần này, Bộ LĐ-TB&XH chỉ đề xuất 1 phương án nghỉ Tết là nghỉ 5 ngày theo quy định, trong đó nghỉ 2 ngày trước Tết và 3 ngày sau Tết.
Cụ thể, từ ngày 27/01/2025 (thứ hai), tức 28 tháng Chạp năm Giáp Thìn, 29 tháng Chạp và 3 ngày mùng 1, 2, 3 Tết, tức hết ngày thứ sáu, 31/01/2025. Tuy nhiên, liền trước 5 ngày nghỉ trên là 2 ngày nghỉ cuối tuần, thứ bảy, chủ nhật ngày 25-26/01/2025, tức 26, 27 tháng Chạp âm lịch 2024. Sau đó, lại tới 2 ngày nghỉ cuối tuần tiếp theo, thứ bảy, chủ nhật ngày 01/02-02/02/2025.
Theo đó, đề xuất lịch nghỉ Tết Nguyên đán sẽ bắt đầu từ thứ bảy, 25/1/2025 (26 tháng Chạp âm lịch 2024) hết chủ nhật ngày 2/2/2025 dương lịch (tức hết mùng 5 tháng Giêng âm lịch 2025 Ất Tỵ).
Vì sao đề xuất lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 là 9 ngày liên tục? (Hình từ Internet)
Người sử dụng lao động có bắt buộc phải thưởng tết cho người lao động không?
Theo Điều 104 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thưởng như sau:
Điều 104. Thưởng
1. Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Theo đó, thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động tự căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động để trả cho người lao động và được quy định tại quy chế thưởng tại nơi làm việc
Do đó, người sử dụng lao động sẽ không bắt buộc phải thưởng tết cho người lao động.
Tết Nguyên đán 2025 bắn pháo hoa bao nhiêu phút?
Theo Điều 11 Nghị định 137/2020/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 2 Điều 3 Nghị định 56/2023/NĐ-CP quy định về các trường hợp tổ chức bắn pháo hoa nổ như sau:
Điều 11. Các trường hợp tổ chức bắn pháo hoa nổ
1. Tết Nguyên đán
a) Các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút;
b) Thời gian bắn vào thời điểm giao thừa Tết Nguyên đán
[...]
Theo Điều 12 Nghị định 137/2020/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 3 Điều 3 Nghị định 56/2023/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 12. Thẩm quyền, thủ tục cho phép bắn pháo hoa nổ
1. Các trường hợp tổ chức bắn pháo hoa nổ quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 11 Nghị định này do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để quyết định và phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thực hiện theo quy định.
[...]
Theo đó, Tết Nguyên đán 2025 sẽ bắn pháo hoa trong vòng 15 phút. Các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ được bắn pháo hoa tầm cao và tầm thấp; các tỉnh còn lại sẽ bắn pháo hoa tầm thấp.
Việc tổ chức bắn pháo hoa tại các địa phương vào đêm giao thừa 2025 do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định và phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thực hiện.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.