Tổng hợp Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật thuế tài nguyên mới nhất?
Tổng hợp Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật thuế tài nguyên mới nhất?
Luật Thuế tài nguyên mới nhất 2024 đang được áp dụng là Luật Thuế tài nguyên 2009, được sửa đổi, bổ sung bởi:
- Luật sửa đổi các Luật về thuế 2014
Dưới đây là tổng hợp Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật thuế tài nguyên mới nhất:
- Thông tư 41/2024/TT-BTC sửa đổi Thông tư 44/2017/TT-BTC quy định khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau và Thông tư 152/2015/TT-BTC hướng dẫn về thuế tài nguyên do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- Thông tư 152/2015/TT-BTC hướng dẫn về thuế tài nguyên do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- Nghị định 12/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế
- Nghị định 50/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thuế tài nguyên 2009
Dưới đây là tổng hợp văn bản hướng dẫn Luật thuế tài nguyên khác:
- Nghị quyết 1084/2015/UBTVQH13 về Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành
- Văn bản hợp nhất 23/VBHN-VPQH năm 2022 hợp nhất Luật Thuế tài nguyên do Văn phòng Quốc hội ban hành
Tổng hợp Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật thuế tài nguyên mới nhất? (Hình từ Internet)
Ai phải nộp thuế tài nguyên?
Theo Điều 3 Luật Thuế tài nguyên 2009 sửa đổi bởi khoản 2 Điều 67 Luật Dầu khí 2022 quy định người phải nộp thuế tài nguyên như sau:
Người nộp thuế tài nguyên là tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên thuộc đối tượng chịu thuế tài nguyên, trừ trường hợp khai thác tài nguyên đối với mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí khai thác tận thu theo quy định của pháp luật về dầu khí.
Người nộp thuế tài nguyên trong một số trường hợp được quy định cụ thể như sau:
- Doanh nghiệp khai thác tài nguyên được thành lập trên cơ sở liên doanh thì doanh nghiệp liên doanh là người nộp thuế.
- Bên Việt Nam và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh khai thác tài nguyên thì trách nhiệm nộp thuế của các bên phải được xác định cụ thể trong hợp đồng hợp tác kinh doanh;
- Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nhỏ, lẻ bán cho tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua và tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua cam kết chấp thuận bằng văn bản về việc kê khai, nộp thuế thay cho tổ chức, cá nhân khai thác thì tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua là người nộp thuế.
Miễn thuế tài nguyên được quy định như thế nào?
Theo Điều 10 Thông tư 152/2015/TT-BTC quy định về miễn thuế tài nguyên như sau:
Các trường hợp được miễn thuế tài nguyên theo quy định tại Điều 9 Luật thuế tài nguyên 2009 và Điều 6 Nghị định 50/2010/NĐ-CP, bao gồm:
(1) Miễn thuế tài nguyên đối với tổ chức, cá nhân khai thác hải sản tự nhiên.
(2) Miễn thuế tài nguyên đối với tổ chức, cá nhân khai thác cành, ngọn, củi, tre, trúc, nứa, mai, giang, tranh, vầu, lồ ô do cá nhân được phép khai thác phục vụ sinh hoạt.
(3) Miễn thuế tài nguyên đối với tổ chức, cá nhân khai thác nước thiên nhiên dùng cho hoạt động sản xuất thuỷ điện để phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân.
(4) Miễn thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên do hộ gia đình, cá nhân khai thác phục vụ sinh hoạt.
(5) Miễn thuế tài nguyên đối với đất do tổ chức, cá nhân được giao, được thuê khai thác và sử dụng tại chỗ trên diện tích đất được giao, được thuê; đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình an ninh, quân sự, đê điều.
Đất khai thác và sử dụng tại chỗ được miễn thuế tại điểm này bao gồm cả cát, đá, sỏi có lẫn trong đất nhưng không xác định được cụ thể từng chất và được sử dụng ở dạng thô để san lấp, xây dựng công trình; Trường hợp vận chuyển đi nơi khác để sử dụng hoặc bán thì phải nộp thuế tài nguyên theo quy định.
(6) Trường hợp khác được miễn thuế tài nguyên, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan báo cáo Chính phủ để trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.