Quần thể danh thắng Tràng An ở tỉnh nào? Các chương trình dự án nào ưu tiên đầu tư trong kỳ quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An?
Quần thể danh thắng Tràng An ở tỉnh nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 1 Quyết định 230/QĐ-TTg năm 2016 quy định như sau:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình với những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Thời hạn, phạm vi, ranh giới quy hoạch
Thời hạn lập quy hoạch: Giai đoạn dài hạn đến năm 2030; giai đoạn ngắn hạn đợt đầu năm 2020.
Phạm vi lập quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An có diện tích đất tự nhiên 12.252 ha, thuộc ranh giới hành chính của các huyện: Hoa Lư, Gia Viễn và Nho Quan, thành phố Ninh Bình và thị xã Tam Điệp, giới hạn như sau:
- Về phía Bắc giáp sông Hoàng Long.
- Về phía Đông giáp sông Chanh.
- Về phía Nam giáp sông Hệ Dưỡng, sông Vân và sông Bến Đang.
- Về phía Tây giáp sông Bến Đang và sông Rịa.
Trong đó:
- Khu di sản Quần thể danh thắng Tràng An có diện tích 6.226 ha, bao gồm một phần diện tích của 12 xã thuộc 05 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Ninh Bình là: Trường Yên, Ninh Xuân, Ninh Vân, Ninh Thắng, Ninh Hải, Ninh Hòa (huyện Hoa Lư); Gia Sinh (huyện Gia Viễn); Sơn Lai, Sơn Hà (huyện Nho Quan); Yên Sơn (thị xã Tam Điệp); Ninh Nhất, Ninh Tiến (thành phố Ninh Bình).
- Vùng đệm bao quanh Khu di sản có diện tích 6.026 ha, bao gồm một phần diện tích của 20 xã, phường của 05 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Ninh Bình là: Trường Yên, Ninh Xuân, Ninh Vân, Ninh Thắng, Ninh Hải, Ninh Hòa, Ninh Giang, Ninh Mỹ, Ninh An (huyện Hoa Lư); Gia Sinh, Gia Trung, Gia Tiến (huyện Gia Viễn); Sơn Lai, Sơn Hà, Quỳnh Lưu (huyện Nho Quan); Yên Sơn, Yên Bình (thị xã Tam Điệp); Ninh Nhất, Ninh Tiến, Ninh Phong (thành phố Ninh Bình).
Theo đó, hiện nay Quần thể danh thắng Tràng An thuộc địa phận ranh giới hành chính của các huyện Hoa Lư, Gia Viễn và Nho Quan, thành phố Ninh Bình và thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.
Quần thể danh thắng Tràng An ở tỉnh nào? Các chương trình dự án nào ưu tiên đầu tư trong kỳ quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An? (Hình từ Internet)
Các chương trình dự án nào ưu tiên đầu tư trong kỳ quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An?
Căn cứ theo khoản 6 Điều 1 Quyết định 230/QĐ-TTg năm 2016, các chương trình dự án ưu tiên đầu tư trong kỳ quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình bao gồm:
- Khu vực Cố đô Hoa Lư:
+ Dự án khai quật khảo cổ nền đất giữa hai đền vua Đinh, vua Lê; dự án trùng tu công trình di tích; xây dựng các công trình kiến trúc tôn tạo cảnh quan khu vực; dự án nạo vét, mở rộng và kè bờ sông Sào Khê; dự án xây dựng đường bao, hào nước vùng bảo vệ đặc biệt Cố đô Hoa Lư.
+ Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu động Am Tiên, bãi đỗ xe và khu dịch vụ phục vụ khu cố đô Hoa Lư; dự án xây dựng khu trung tâm điều hành ban quản lý khu di tích; dự án xây dựng khu tái định cư, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
- Khu vực hang động Tràng An - núi chùa Bái Đính:
+ Dự án bảo tồn, tôn tạo các công trình di tích; dự án tôn tạo các hang, thung, đảo sinh thái; dự án nạo vét tuyến đường thủy từ bến thuyền trung tâm.
+ Dự án xây dựng, hoàn thiện tuyến đường giao thông trung tâm, với đầy đủ trang thiết bị kỹ thuật phục vụ trên tuyến (cây xanh, hè, biển báo, đèn chiếu sáng, đèn cảnh quan, chỗ nghỉ, vv...); dự án xây dựng khu trung tâm dịch vụ tại khu vực tiếp giáp với thành phố Ninh Bình.
- Khu vực Tam Cốc - Bích Động:
+ Các dự án bảo vệ, tôn tạo hệ thống cảnh quan di sản tự nhiên, di sản văn hóa: Dự án bảo tồn, tôn tạo các công trình di tích lịch sử văn hóa.
+ Hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Xây dựng các công trình trọng yếu như: Bãi xe, bến thuyền, nhà điều hành và các công trình phụ trợ. Đầu tư vào các điểm du lịch sinh thái là sản phẩm du lịch đặc thù; dự án cải tạo một số tuyến giao thông thủy; dự án nâng cấp tuyến đường bộ từ quốc lộ 12B; đầu tư xây dựng các khu trung tâm đón tiếp; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tại các điểm du lịch trọng yếu trên các tuyến du lịch.
- Vùng đệm:
+ Hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; dự án xây dựng khu tái định cư, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
+ Dự án đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp; dự án phát triển các hoạt động dịch vụ với sự tham gia của cộng đồng; dự án phát triển các khách sạn nhỏ ở nông thôn; dự án xây dựng làng du lịch sinh thái - nhà nghỉ nông thôn.
Tổ chức, cá nhân có các quyền và nghĩa vụ gì đối với di sản văn hóa?
Căn cứ theo Điều 14 Luật Di sản văn hóa 2001, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đối với di sản văn hóa đó là:
- Sở hữu hợp pháp di sản văn hoá;
- Tham quan, nghiên cứu di sản văn hoá;
- Tôn trọng, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá;
- Thông báo kịp thời địa điểm phát hiện di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh; giao nộp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia do mình tìm được cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi gần nhất;
- Ngăn chặn hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi phá hoại, chiếm đoạt, sử dụng trái phép di sản văn hoá.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Giá tính thuế GTGT đối với hàng hóa dịch vụ chỉ chịu thuế bảo vệ môi trường là giá nào?
- Lịch thi Violympic cấp huyện 2024 - 2025 chi tiết nhất? Còn mấy ngày nữa thi?
- Còn bao nhiêu ngày nữa tới mùng 2 Tết 2025? Lịch âm tháng 1 2025 có mấy ngày chủ nhật?
- Tháng 12 âm lịch 2024 là tháng con gì? Tháng 12 âm lịch 2024, NLĐ được nghỉ Tết Dương lịch 2025 chưa?
- Tiền thưởng Tết 2025 của người lao động có tính đóng bảo hiểm xã hội không?