Đề xuất: Xe ôm công nghệ dùng điện thoại tra Map (bản đồ) có thể không bị phạt?
Theo quy định hiện hành, xe ôm công nghệ gắn điện thoại lên xe máy để tra Map có bị phạt không?
Theo khoản 3 Điều 30 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy như sau:
Điều 30. Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy
[...]
3. Người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được thực hiện các hành vi sau đây:
a) Đi xe dàn hàng ngang;
b) Đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ và phương tiện khác;
c) Sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính;
d) Sử dụng xe để kéo, đẩy xe khác, vật khác, mang, vác và chở vật cồng kềnh;
đ) Buông cả hai tay hoặc đi xe bằng một bánh đối với xe hai bánh, bằng hai bánh đối với xe ba bánh;
e) Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.
[...]
Theo pháp luật giao thông đường bộ không cho phép người điều khiển xe máy sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe dưới bất kỳ hình thức nào.
Như vậy, việc gắn điện thoại lên xe máy, vừa chạy xe vừa sử dụng điện thoại để tra Map (bản đồ) là hành vi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông đường bộ, sẽ bị xử phạt khi bị CSGT phát hiện.
Đề xuất: Xe ôm công nghệ dùng điện thoại tra Map (bản đồ) có thể không bị phạt? (Hình từ Internet)
Đề xuất: Xe ôm công nghệ dùng điện thoại tra Map (bản đồ) có thể không bị phạt?
Hiện hành, tại điểm h khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm g khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP và một số điểm bị bãi bỏ bởi điểm b khoản 36 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 6. Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
[...]
4. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
[...]
h) Người đang điều khiển xe sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính.
[....]
Như vậy, người điều khiển xe gắn điện thoại lên xe máy để tra Map thì bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Ngoài ra, người điều khiển xe gắn điện thoại lên xe máy để tra định vị còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng nếu gây tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, tại điểm h khoản 4 Điều 8 Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe Tại đây quy định:
Điều 8. Xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
[....]
4. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
[...]
h) Người đang điều khiển xe sử dụng ô (dù), thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính), dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác.
[...]
11. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị trừ điểm Giấy phép lái xe như sau:
a) Thực hiện hành vi quy định tại điểm b, điểm e, điểm i, điểm p khoản 3; điểm e, điểm g, điểm h khoản 4; khoản 5 Điều này bị trừ điểm Giấy phép lái xe 02 điểm;
Dự thảo nghị định mới đã nới lỏng quy định về việc sử dụng điện thoại di động khi lái xe máy. Theo quy định hiện hành, mọi hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe đều sẽ bị phạt và có thể dẫn đến việc tước giấy phép lái xe. Tuy nhiên, theo dự thảo mới, chỉ việc dùng tay cầm và sử dụng điện thoại mới bị xử phạt tiền, lỗi vi phạm này sẽ bị trừ 2 điểm giấy phép lái xe.
Như vậy, trường hợp, người lái xe máy, trong đó có xe ôm công nghệ, nếu chỉ sử dụng điện thoại để xem bản đồ (không dùng tay để điều khiển điện thoại) có thể sẽ không bị phạt theo dự thảo mới.
Nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 4 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ như sau:
- Hoạt động giao thông đường bộ phải bảo đảm thông suốt, trật tự, an toàn, hiệu quả; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.
- Phát triển giao thông đường bộ theo quy hoạch, từng bước hiện đại và đồng bộ; gắn kết phương thức vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác.
- Quản lý hoạt động giao thông đường bộ được thực hiện thống nhất trên cơ sở phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn cụ thể, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp.
- Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
- Mọi hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Báo cáo thành tích cá nhân của Phó hiệu trưởng mới nhất năm 2024?
- Hướng dẫn xóa thí sinh khỏi danh sách Vòng 6 Trạng Nguyên Tiếng Việt tại quantri.trangnguyen.edu.vn?
- Tháng 10 âm lịch 2024 kết thúc vào ngày nào? Tháng 10 âm lịch 2024 là tháng con gì? Tháng 10 âm lịch năm 2024 có sự kiện gì?
- Cách viết trách nhiệm của cá nhân đối với những hạn chế, khuyết điểm của tập thể trong bản kiểm điểm đảng viên cuối năm 2024?
- Giám đốc BHXH cấp tỉnh có quyền xử phạt hành vi cho mượn thẻ bảo hiểm y tế không?